Trồng nấm bào ngư. Kỹ thuật trồng nấm bào ngư năng suất cao

Nấm bào ngư là loại nấm tươi vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa có dược tính (có tác dụng giải độc và bảo vệ các tế bào gan, có thể kháng ung thư và kháng virus, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch…). Do vậy, khi quyết định trồng nấm bào ngư cung cấp ra thị trường, bà con không chỉ đang hướng đến một tương lai tốt đẹp mà còn chính là dành công giúp người tiêu dùng có được những món ăn lành mạnh. Bài viết sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng nấm bào ngư năng suất cao.

Trồng nấm bào ngư. Kỹ thuật trồng nấm bào ngư năng suất cao

Sơ lược về nấm bào ngư

Nấm phát triển ở một biên độ nhiệt từ 28 – 36 độ C, cho sản lượng và chất lượng tốt nếu nhiệt độ ngày và đêm chêch lệch 5 – 8 độ C.

Nấm cần độ thông thoáng gió vừa phải, không có gió nóng lùa trực tiếp, độ ẩm môi trường 70 – 85%.

Nấm sử dụng trực tiếp nguồn dinh dưỡng từ xenlulo nên nguyên liệu trồng nấm được xử lý tốt bao nhiêu sẽ tỷ lệ thuận với năng suất, chất lượng nấm bấy nhiêu.

Quả thể nấm có đường kính trung bình từ 2-10cm, trơn bóng, màu từ xám đến trắng xám. Thịt nấm màu trắng, dày. Cuống mọc xiên, màu trắng hay gần trắng, dài từ 2-6 cm. Khi hình thành quả thể, nấm cần ánh sáng khuếch tán (có thể đọc sách).

Kỹ thuật trồng nấm bào ngư hiệu quả

Chuẩn bị nhà trồng nấm

Sở dĩ cần làm nhà trồng nấm vì nấm bào ngư phát triển trong điều kiện ít ánh sáng, ưa bóng tối. Nhà trồng (chứa) nấm không cần phải đầu tư nhiều: các thanh trụ xây nhà làm bằng tre (chắc hơn thì làm bằng bê tông), xung quanh nhà chứa có các tấm phên/liếp bằng lá hoặc tôn che chắn.

Phía trên nhà chứa, bà con gác các đòn tay bằng tre liên tiếp nhau để tạo giàn treo hoặc xếp/ đặt các bịch phôi nấm lên. Tốt nhất bà con nên bố trí giàn treo theo từng khối một, mỗi khối rộng từ 1,4 – 1,6m, mỗi khối chừa các lối đi để tiện chăm sóc và thu hái.

Trước khi đưa nấm vào nhà nuôi trồng, bà con khử trùng nhà nấm bằng vôi bột (cứ 100gr vôi bột rải đều trên 1m2).

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Giá nấm bào ngư. Giá phôi nấm bào ngư. Địa chỉ bán phôi nấm bào ngư

Thời vụ trồng nấm

Ở miền Nam, chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa không cao nên gần như có thể trồng nấm quanh năm. Tuy nhiên, ở miền nào thì bà con cũng có thể trồng nấm vào gần hoặc chính mùa mưa để tận dụng độ ẩm.

Trồng nấm bào ngư. Kỹ thuật trồng nấm bào ngư năng suất cao

Làm bịch phôi nấm

Nguyên liệu để trồng nấm có thể là rơm, là mùn cưa, hay bã mía.

Bước 1: Xử lý nguyên liệu

Nguyên liệu được tạo ẩm bằng nước vôi có pH 13.

Bước 2: Ủ đống

Nguyên liệu sau khi tạo ẩm, ủ thành đống (trọng lượng đống ủ > 300 kg), phía dưới phải lót kệ lót, chính giữa có một cột thông hơi và dùng nilong quây xung quanh đống ủ. Thời gian ủ từ 5 – 10 ngày.

Trong quá trình ủ, nhiệt độ đống ủ tăng cao (60o- 80oC), cũng góp phần diệt nhiều vi sinh vật có hại.

Quá trình ủ giúp nguyên liệu hút ẩm đồng đều hơn, cũng tạo nhiều thuận lợi cho việc khử trùng.

Bước 3: Đảo đống ủ

Đảo lớp trong ra ngoài, lớp ngoài vào trong, lớp trên đảo xuống dưới và lớp dưới đảo lên trên.

Ủ lại như ban đầu kéo dài 5 – 10 ngày.

Bước 4: Bổ sung dinh dưỡng, đóng túi

Sau khi ủ đủ thời gian, đảm bảo đống ủ sinh nhiệt, phối trộn chất dinh dưỡng: 2 % cám bắp, 3% cám gạo, 1% bột nhẹ…

Dùng túi có kích thước 19 x 35 cm (mùn cưa, bã mía) hoặc 30 x 40 cm (rơm) để đóng nguyên liệu. Trung bình mỗi túi nặng 1,2- 1,5 kg/túi.

Bước 5: Hấp thanh trùng, cấy giống

Phương pháp khử trùng phổ biến hiện nay là dùng nhiệt ẩm (có hoặc không có áp suất) và cần thiết bị tương ứng. Nhưng dù áp dụng phương pháp nào cũng đều phải đảm bảo nhiệt độ và thời gian khử  trùng thích hợp. (Đối với rơm thì không cần hấp). Sau khi hấp xong, để nguội.

Bà con cấy giống vào các túi nguyên liệu. Các túi giống nên mua từ nguồn uy tín, đã lên men trắng đều, kết khối cứng, không bị mềm, nhão phía dưới đáy, bị màu vàng hoặc màu đen. Nếu nguyên liệu làm bằng rơm thì cấy 4 lớp. Xong, bà con lấy một ít bông gòn, bỏ vào ngay giữa miệng túi, lấy giây thun buộc lại.

Ươm sợi

Túi được cấy xong, chuyển vào phòng ươm, thời gian ươm kéo dài 20 – 30 ngày. Trong thời gian ươm sợi nên kiểm tra độ ẩm trong phòng, chỉ nên tưới nước nền tạo ẩm.

Chăm sóc, thu hái

Chọn những bịch có sợi tơ nấm mọc trắng đều bịch, sau đó tiến hành tháo nút bông phía trên miệng bịch phôi hoặc dùng dao lam rạch từ 3 – 4 đường dài khoảng 3 – 4cm trên bịch phôi, sau khi rạch bịch để ngày hôm sau mới phun tưới nước.

Nước tưới nấm phải sạch, không phèn, không chứa chất độc hại nấm và nên tưới bằng bình phun sương hay vòi phun thật mịn. Tưới nước nhiều hay ít tùy theo ẩm độ không khí của nhà nuôi nấm. Bình quân tưới 2 lần/ngày, nếu khô thì từ 3 – 4 lần/ngày.

Cách hái nấm

Nấm mọc tập trung thành cụm nên khi nấm đủ lớn cần hái cả cụm (trong cụm nấm có 2-3 tai lớn).

Dùng tay nắm lấy phần cuống nấm kéo nhẹ và lấy hết cả chân nấm.

Sau khi thu hái nấm, vệ sinh thu hết những phần chân nấm còn lại, dùng nắp nhựa đậy ở đầu bịch phôi. Sau 7 – 10 ngày, bà con mở nắp để thu tiếp tục.

Sau đó, bà con tiếp tục chăm sóc như lúc ban đầu. Sau 5-10 đợt như vậy là kết thúc một vụ nấm. Mỗi đợt cách nhau 15-25 ngày.

Bà con cần lưu ý:

  • Nấm bào ngư rất nhạy cảm với tác nhân gây ô nhiễm môi trường như hóa chất, thuốc trừ sâu, các kim loại nặng, kể cả trong nguyên liệu cũng như không khí và môi trường xung quanh khu vực nuôi trồng.
  • Nấm dễ bị mốc xanh Trichoderma và ấu trùng ruồi nhỏ gây hại nên bà con nên khử trùng tốt nguyên liệu, dùng lưới chắn và vệ sinh nhà trại, hạn chế người ngoài vào trong trại.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Trồng nấm rơm. Hưỡng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm trong bịch

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here