Nuôi dê Bách Thảo. Kỹ thuật nuôi dê Bách Thảo hiệu quả kinh tế cao

Dê bách thảo là giống dê to con, tai cụp, ít bệnh, nuôi con tốt. Nó là giống dê kiêm dụng, vừa có khả năng cho sữa vừa cho thịt. Dê cái nếu chăm sóc tốt có thể đẻ khoảng 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con. Dê con nuôi sau 4-5 tháng là có thể xuất chuồng, trọng lượng lúc xuất chuồng từ 25 – 35kg. Thịt dê Bách Thảo có chất lượng khá, các tỷ lệ vật chất khô, protein, mỡ đều thấp hơn so với thịt dê cỏ, nhưng hàm lượng mỡ trong thịt thấp. Từ nhiều năm gần đây giống dê này đã được phát triển tại nhiều tỉnh thành nước ta.

Nuôi dê Bách Thảo. Kỹ thuật nuôi dê Bách Thảo hiệu quả kinh tế cao

Chuẩn bị chuồng trại nuôi dê Bách Thảo

Làm chuồng trại nơi cao ráo, thoát nước, ở cuối hướng gió đảm bảo đông ấm hè mát. Chuồng nuôi dê phải làm chuồng sàn, cách mặt đất 50 – 80 cm.Vật liệu làm chuồng đơn giản, bằng gỗ, tre, nứa, lá…

Sàn chuồng có thể làm bằng thanh tre, gỗ, nứa thẳng, nhẵn, bản rộng 2,5 cm; cách nhau 1,5 cm đủ để lọt phân và tránh cho dê không bị lọt chân. Riêng đối với dê con, khoảng cách giữa các nan là 0,8cm để dê không bị lọt chân. Chuồng nên có ngăn riêng cho dê đực giống, dê hậu bị, dê mang thai gần đẻ, dê mẹ và dê con dưới 3 tuần tuổi và các loại dê khác.

Chuồng nuôi dê cần có sân chơi cao ráo, không đọng nước, định kỳ lấy phân ra khỏi chuồng và vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng vôi bột 1 tháng 1 lần.

Diện tích chuồng nuôi: Dê trên 6 tháng tuổi: 0,7 – 1 m2 /con; Dê dưới 6 tháng tuổi: 0,3 – 0,5 m2/con.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn cách làm chuồng nuôi dê thịt và dê sinh sản

Cách chọn dê Bách Thảo giống

Chọn dê cái: Chọn con có ngoại hình thanh mảnh, đầu nhỏ, nhẹ, mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước. Da mỏng, lông nhỏ mịn. Bầu vú to, đều, mềm mại.

Chọn dê đực: Khỏe mạnh, hăng hái, không khuyết tật, đầu to, ngắn, trán rộng, thân hình cân đối, không quá béo hoặc quá gầy. Phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, 4 chân thẳng, khỏe. Hai hòn cà đều và cân đối.

Chú ý: dê giống phải có dê bố mẹ có khả năng sản xuất cao, mắn đẻ, cho nhiều sữa , tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Giá dê giống và dê thịt hiện nay. Trang trại bán dê giống trên cả nước

Thức ăn cho dê Bách Thảo

Dê có thể ăn được rất nhiều loại thức ăn như các loại lá cây cỏ, thức ăn phụ phẩm hoặc thức ăn chế biến sẵn.

Thức ăn thô

  • Thức ăn thô xanh: gồm các loại lá  như lá mít, lá xoan, lá chuối, lá dâu,  lá keo dậu, lá sắn dây, lá cây keo lá tràm,lá sim… và các loại cỏ tự nhiên.
  • Cho dê ăn cỏ, lá hỗn hợp từ 7-10kg/con/ngày. Nếu chăn thả chỉ cần cho ăn 2 – 3 kg/ngày/con.
  • Thức ăn thô khô:  gồm các loại cỏ khô và rơm khô.

Thức ăn củ quả

Sắn, khoai lang, chuối, bí đỏ, đu đủ, cà rốt,… Đối với loại thức ăn này thì bà con chỉ cần rửa sạch, thái mỏng cho ăn 0,2 – 0,8 kg/con/ngày.

Thức ăn tinh hỗn hợp

Gồm các loại cám gạo, bột bắp, bột sắn, bột đậu nành rang, rỉ mật đường. Tùy theo lứa tuổi, khả năng sinh sản và tiết sữa cho dê ăn từ 0,2 – 0,8 kg/con/ngày. Tỷ lệ phối trộn: Bột bắp 25 – 30%, cám gạo 25 – 40%, bột sắn 15 – 20%, bột đậu nành rang 10 – 20%, Rỉ mật 10 – 20%, khoáng 2%, muối 1%

Phụ phẩm nông, công nghiệp

Bã đậu phụ, vỏ giá đậu xanh, bã bia, vỏ và trái cây,… Tuyệt đối tránh thức ăn chua, hôi, mốc, ướt, cho ăn 0,3 – 0,6kg/con/ngày.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Nên cho dê ăn gì? Các loại thức ăn cho dê và Chi phí thức ăn nuôi dê thịt

Nuôi dê Bách Thảo. Kỹ thuật nuôi dê Bách Thảo hiệu quả kinh tế cao

Cách chăm sóc dê Bách Thảo

Chăm sóc dê hậu bị (từ khi cai sữa đến khi phối giống)

Cho ăn 2 – 5kg lá cây, cỏ xanh non và từ 0,1 – 0,4kg thức ăn tinh/con/ngày.Chỉ chăn thả hoặc vận động khi trời đã tan sương. Khi dê được 4 tháng tuổi thì tách riêng dê đực ra nơi khác. Cho dê cái phối giống lần đầu ở 7 – 8 tháng tuổi, nặng 19 – 20 kg trở lên.

Tránh tình trạng đồng huyết khi cho dê phối giống.

Chăm sóc dê cái mang thai và dê nuôi con

Sau khi phối giống theo dõi nếu đến chu kỳ động dục bình thường (21 -23 ngày) mà không thấy dê động dục trở lại là dê đã thụ thai. Thời gian mang thai của dê cái khoảng 146 – 157 ngày. Trong thời gian dê mang thai cần chăn thả dê gần chuồng, nơi bằng phẳng tránh dồn đuổi, đánh đập, tránh xa dê đực giống.

Trước khi đẻ 5 – 10 ngày nhốt riêng dê chửa. Dê sắp đẻ bầu vú căng sữa, bụng sa, dịch nhờn chảy nhiều ở âm môn, sụt mông. Cho cỏ khô sạch lót ổ, chuẩn bị đỡ đẻ. Chuẩn bị túc trực để hỗ trợ dê lúc cần thiết (đẻ khó, cắt dây rốn …).

Để dê con nằm ổ ấm, bên mẹ cho đến 4 ngày tuổi ( nếu trời lạnh cần sưởi ấm cho dê con). Sau đẻ 30 phút hỗ trợ dê con bú sữa đầu. Đẻ xong cho dê uống nước ấm pha muối 0,5% và ăn cỏ, lá xanh non và thức ăn tinh không ôi, ẩm mốc.

Sau khoảng 1 tuần có thể nuôi dê con riêng, vẫn cho bú mẹ trong 2 tuần đầu, cho bú mẹ 3 – 4 lần/ngày. Khi 10 ngày tuổi tập cho dê con ăn thức ăn dễ tiêu: cháo, chuối chín, bột bắp, đậu nành rang kỹ nghiền nhỏ mịn và cỏ non sạch, khô ráo. Khẩu phần ăn tăng dần cho đến khi dê con có thể xuất chuồng.

Không chăn thả dê con trước 21 ngày tuổi và dê mẹ sau khi đẻ 7 – 10 ngày. Đến 21 – 30 ngày tuổi cho dê con chăn thả theo đàn. Dê con sau 3 tháng tuổi tách riêng dê đực, cái và phân đàn theo hướng sản xuất.

Chăm sóc nuôi dưỡng dê vắt sữa

Nuôi dưỡng tốt và chăm sóc chu đáo dê sữa sẽ cho năng suất cao. Ưu tiên cho dê mẹ ăn thức ăn thô xanh non, ngon, chất lượng tốt, bổ sung thêm protein thô từ 15-17%, thức ăn tinh hỗn hợp, premix khoáng,  vitamin và muối ăn. Lựa chọn các loại thức ăn mà dê ưa thích để có nhiều sữa.

Cho dê uống nước sạch (từ 3-5 lít/con/ngày). Ở  các máng trong chuồng và ngoài sân chơi  lúc nào cũng phải đầy nước để dê uống theo nhu cầu. Bổ sung thường xuyên premix khoáng cho dê 0,5kg/tháng/con trong suốt thời gian vắt sữa.

Cho dê vận động ở sân chơi hoặc bãi chăn khô ráo gần chuồng nuôi 3-5 giờ/ngày, kết hợp xoa chải, bắt ve rận.

Vệ sinh khi vắt sữa: Rửa sạch tay và dụng cụ trước và sau khi vắt sữa. Dùng khăn sạch ướt rửa toàn bộ bầu vú. Lau sạch núm vú, tránh xây xát vú sau khi vắt hết sữa.

Thao tác vắt sữa: Cố định người vắt, giờ vắt, không ồn ào khi vắt sữa. Thao tác vắt sữa nhẹ nhàng, đều đặn, thứ tự và nhanh. Sau đó buông tay ra để sữa xuống căng núm vú và lặp lại thao tác trên.Sau cùng vuốt hết sữa đọng trong núm vú.

Lịch vắt sữa: Vắt sữa trước khi cho con vào bú mẹ.Vắt 1 – 2 lần tùy theo lượng sữa mẹ và số dê con đẻ ra.

Xử lý sữa: Vắt sữa xong lọc qua 8 lớp vải màn sạch, rồi đun cách thủy trong nước sôi khoảng 10 – 15 phút mới được sử dụng.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Nuôi dê sinh sản. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê sinh sản hiệu quả

> Như vậy việc nuôi dê Bách Thảo tương đối đơn giản, chuồng trại có thể làm bằng những vật liệu sẵn có, thức ăn nuôi dê cũng dễ kiếm từ tự nhiên, do vậy vốn đầu tư ban đầu không cần nhiều. Dê mắn đẻ, con con sinh trưởng phát triển tốt  nên khả năng tăng đàn nhanh. Thịt dê và sữa dê cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng với những vấn đề chúng tôi giới thiệu qua bài viết này, bà con có thể mạnh dạn đầu tư vào việc nuôi chúng. Chúc bà con thành công.

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here