Hướng dẫn cách làm chuồng nuôi gà thịt và gà đẻ trứng

Giống như con người cần một mái nhà, chuồng nuôi cũng là nơi mang lại sự an toàn và là nơi các vật nuôi đón nhận sự chăm sóc để sinh trưởng, phát triển và phục vụ cho lợi ích mà con người mong muốn. Bài viết sẽ gửi đến bà con một số hướng dẫn trong việc làm chuồng nuôi gà thịt và chuồng nuôi gà đẻ trứng.

Hướng dẫn cách làm chuồng nuôi gà thịt và gà đẻ trứng

Những nguyên tắc chung

Dù là nuôi gà thịt hay gà đẻ trứng, chuồng nuôi gà cần đảm bảo các yếu tố sau:

  1. Xa khu dân cư, xa sông ngòi/ nguồn nước (để không ảnh hưởng đến môi trường chung và cũng để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh).
  2. Cao ráo, thoáng khí để hạn chế bệnh tật cho gà. Khu vực chuồng nuôi cần được trang bị các điều kiện nhằm đảm bảo vệ sinh chăn nuôi.
  3. Với một diện tích chuồng nuôi được xây dựng, mật độ nuôi thiết kế cần đảm bảo không gian để gà phát triển khỏe mạnh.

Kỹ thuật làm chuồng nuôi gà thịt

Sau khi đã đảm bảo ba nguyên tắc chung đầu tiên nói trên, khi bắt tay xây dựng chuồng trại cho gà, bà con cần tiếp tục lưu ý các yếu tố sau:

  • Nền chuồng nên xây bằng xi măng, đủ dày dặn, tránh trơn trượt, độ dốc phải được thiết kế phù hợp cho việc thoát nước, tiện cho việc vệ sinh chuồng trại.
  • Mái chuồng dù là bằng chất liệu gì (tôn lạnh, phibro xi măng…) cũng cần tránh dột nước, che được nắng cho gà.
  • Tường rào xung quanh có thể xây bằng gạch hoặc bằng lưới thép có bạt che, hoặc xây gạch đến tầm lửng, sau đó căng lưới và phủ bạt.

Đi kèm với chuồng nuôi, cần xây dựng các khu dự trữ, chế biến thức ăn, xử lý chất thải chuyên biệt nếu muốn định hướng phát triển dài lâu. Quanh chuồng nuôi, bà con xây dựng các hố sát trùng, các biển chỉ dẫn để người ra vào chuồng trại khử trùng trước khi vào khu vực nuôi gà.

Hướng dẫn cách làm chuồng nuôi gà thịt và gà đẻ trứng

Mật độ nuôi gà thịt hợp lý là 6 – 8 con/ m2 (nuôi nhiều hơn thường dẫn đến gà mổ nhau, căng thẳng, phát sinh dịch bệnh, v.v), trang bị một bóng đèn um 75W cho mỗi m2 chuồng nuôi.

Gà có thể nuôi cho nằm ngủ dưới nền hoặc cho hoạt động ở dưới nền nhưng ngủ ở khu vực cao hơn nền chuồng. Ở phương án sau, nhiều bà con thường dựng các khung hoặc gác các thanh đỡ (bằng các vật liệu đủ chắc chắn) để gà nhảy lên ngủ. Phần khung này cần được thiết kế có khe sao cho phân gà thải ra có thể rơi xuống đất tiện lợi cho việc vệ sinh.

Kỹ thuật làm chuồng nuôi gà đẻ trứng

Có ít nhất là 4 kiểu chuồng nuôi gà đẻ trứng nhưng sự khác biệt chủ yếu nằm ở diện tích xây dựng chuồng trại, vật liệu để làm chuồng và kiểu dựng khung chuồng. Bốn kiểu chuồng đó là: chuồng 4 mái kiên cố (hoặc bán kiên cố), chuồng bán kiên cố 2 mái, chuồng thô sơ và kiểu nuôi gà trong lồng.

Chuồng dù được xây theo kiểu nào thì cũng nên chú ý đến việc đảm bảo mật độ nuôi về sau, cũng như các thiết kế để vừa đảm bảo sức khỏe cho gà, thuận tiện cho việc nhặt trứng hay dọn vệ sinh chuồng trại. Ví dụ, nếu nuôi gà bằng lồng, lồng nuôi được thiết kế hơi dốc để sau khi gà đẻ, trứng sẽ lăn ra bên ngoài giúp người nuôi dễ thu thập, tránh gà làm bể trứng, làm giảm lợi ích kinh tế.

Trong khi đó, kiểu chuồng nuôi thôi sơ được bố trí thành nhiều tầng ở trong chuồng, tầng trên cùng để các ổ đẻ trứng (bện bằng rơm, làm bằng hộp hoặc giỏ từ đủ các chất liệu dễ kiếm khác nhau, v.v.) để khi muốn đẻ, gà sẽ có chỗ nhảy ổ.

Khi đưa chuồng nuôi vào sử dụng, trong quá trình nuôi gà, nền chuồng nuôi lúc nào cũng phải có chất lót (bằng trấu, dăm bào, cỏ hoặc rơm khô cắt ngắn, rải đều dày 7- 10 cm); thay lớp lót định kỳ; kết thúc đợt nuôi phải dọn sạch, loại bỏ lớp chất lót, đem ủ hoặc có hình thức xử lý thích hợp.

Bà con cũng lưu ý việc bố trí các máng ăn, máng uống cho gà một cách hợp lý: dùng máng tròn hay máng dài, treo lên hay đặt trên nền, v.v.

>> Mời bà con tham khảo thêm một số bài viết:

Chúc bà con có được những chuồng nuôi gà như ý.

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here