Kỹ thuật nuôi gà thịt và gà đẻ trứng thả vườn năng suất cao

Hiện nay, nhu cầu về thịt gà thả vườn và trứng gà thả vườn ngày càng cao bởi xu hướng ưa chuộng thực phẩm tự nhiên và lành mạnh của người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Vì vậy, bài viết này sẽ hướng dẫn về kỹ thuật nuôi gà thịt và gà đẻ trứng thả vườn để bà con nông dân có thêm kiến thức và có thể áp dụng kiến thức đó để chăn nuôi có kết quả tốt, tăng thêm thu nhập.

Kỹ thuật nuôi gà thịt và gà đẻ trứng thả vườn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chuẩn bị điều kiện nuôi gà thả vườn

Làm chuồng nuôi gà thả vườn

Chọn khu đất cao ráo, thoáng mát để cất chuồng gà. Nên cất chuồng theo hướng đông hoặc đông nam để hứng được nắng sáng và tránh được nắng chiều. Sàn chuồng làm bằng lưới hoặc tre thưa cách mặt đất 0,5 m để đảm bảo thông thoáng, khô ráo, dễ dọn vệ sinh. Rào chắn xung quanh vườn bằng lưới B40, lưới nilon, tre gỗ… Ban ngày khô ráo thả gà ra sân, vườn chơi, buổi tối cho gà về chuồng.

>> Tham khảo thêm bài viết chi tiết: Cách làm chuồng nuôi gà thả vườn

Chuẩn bị bể tắm cát, máng cát sỏi cho gà

Đối gà nuôi chăn thả phải xây bể chứa cát, tro bếp và điểm sinh hoạt cho gà tắm. Kích thước bể dài 2m, rộng 1m, cao 0,3m cho 40 gà.

Đặt một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh nơi chăn thả để gà ăn, giúp gà tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Chuẩn bị dàn đậu và ổ đẻ cho gà

Dàn đậu làm bằng tre, gỗ. Dàn cách nền chuồng khoảng 0,5m, cách nhau 0,3-0,4m để gà khỏi đụng vào nhau, mổ nhau và thải phân lên nhau.

Làm ổ đẻ cho gà để nơi tối. Một ổ đẻ cho 5-10 con gà mái.

Vườn chăn thả cần đảm bảo mật độ: 1m2/1 con gà.

Chọn giống gà ta thả vườn

Nuôi gà ta theo hướng lấy thịt: Chọn giống gà Tàu vàng, gà Đông Tảo, gà Nòi, gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, gà Hồ, gà ta lai…

Nuôi gà ta theo hướng lấy trứng thương phẩm: Chọn những giống gà đẻ nhiều như gà Tàu Vàng, gà Tam Hoàng, gà BT1, gà Ri,….

>> Tham khảo thêm bài viết chi tiết: Giá các giống gà thả vườn tốt nhất hiện nay

Kỹ thuật nuôi gà thịt thả vườn

Thức ăn cho gà thịt cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng (năng lượng trao đổi tối thiểu: 3000-3100Kcal/kg, đạm tối thiểu: 18%), tận dụng nguyên liệu sẵn để giảm chi phí. Tận dụng tối đa khả năng tự kiếm mồi để giảm chi phí thức ăn: buổi sáng nếu trời không mưa và ấm áp thì thả gà ra vườn để kiếm mồi, gần trưa cho gà ăn thức bổ sung, chiều cho gà ăn trước khi vào chuồng.

Quan sát và theo dõi kỹ đàn gà khi cho ăn, cho uống. Cần có biện pháp xử lý kịp thời khi thấy gà có biểu hiện khác thường, cần có sổ sách ghi chép cẩn thận, chi tiết về chi phí đầu vào (giống, lượng thức ăn, thuốc thú y), biểu hiện của gà hàng ngày.

Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống và vườn chăn thả. Sát trùng chuồng trại dụng cụ chăn nuôi định kì 1 tuần một lần để đảm bảo môi trường sống của gà được sạch khuẩn.

Chú ý phòng bệnh cho gà theo lịch.

Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng thả vườn

Kỹ thuật nuôi gà thịt và gà đẻ trứng thả vườn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Đối với gà đẻ trứng cần thực hiện việc ghép đàn.Tỷ lệ ghép đàn phụ thuộc từng giống. Gà ri, tàu vàng, ta vàng tỷ lệ 1 trống/10 – 13 mái; gà thịt Đông Tảo 1 trống/5 – 6 mái; gà Mía, gà Hồ 1 trống/7 – 8 mái;

Diện tích chuồng nuôi

Đảm bảo mật độ 4 – 6 con/m2. Nhiệt độ thích hợp cho gà mái đẻ là 18 – 200C, độ ẩm không khí trong khu vực chuồng tốt nhất là 70 – 75%.

Ánh sáng

Đối với gà đẻ  ánh sáng là rất cần thiết, chuồng nuôi gà đẻ cần đầy đủ ánh sáng. Vào mùa đông, cần chiếu sáng bổ sung với cường độ 30 lux, tương đương bóng đèn 3W/m2 treo cao 2 – 2,5 m, như thế gà đủ ánh sáng sẽ đẻ sớm và đẻ rộ.

Thức ăn, dinh dưỡng

Cần bổ sung các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, khoáng, vitamin vào khẩu phần ăn cho gà mái đẻ.

Bổ sung nhiều hay ít tùy thuộc  vào mức độ kiếm ăn được nhiều hay ít ngoài vườn thả, bằng cách quan sát diều có no hay không mà cho ăn bổ sung nhiều hay ít, trung bình cho ăn thêm lượng thức ăn hỗn hợp 40 – 50g/ngày/con, trong đó tỷ lệ đạm 15%, chất béo 6%, lượng rau xanh 50%.

Chu kỳ sinh sản ở gà

Chu kỳ sinh sản ở gà gồm có 3 giai đoạn: đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con. Thời gian của mỗi giai đoạn kéo dài bao lâu phụ thuộc vào từng loại gà. Giai đoạn đẻ trứng  kéo dài khoảng 15-20 ngày. Thông thường gà đẻ mỗi ngày 1 quả,  khoảng 3-5 trứng gà lại nghỉ đẻ 1 ngày sau đó lại đẻ tiếp. Gà đẻ trong vòng khoảng 15-20 ngày thì thôi đẻ để đi ấp.

Trong mô hình trang trại không thể áp dụng cách cho gà mẹ ấp tự nhiên được nên cần cai ấp cho gà. Có thể cai ấp cho gà bằng một trong các cách sau: Xua gà mẹ ra khỏi ổ ấp, nhúng gà xuống nước 2-3 lần/ngày, hoặc ghép chung với gà trống; Cũng có thể buộc cánh gà mẹ lại để gà mẹ không xòe ra để ấp trứng được;  Cung cấp ánh sáng cho gà mẹ 14h/ngày; cho ăn bổ xung lúa mầm, rau xanh, giá đỗ…

Thời gian thay lông

Gà mái thường thay lông vào tháng 7, 8 dương lịch. Thời gian này gà giảm đẻ, có con ngừng hẳn. Thời gian thay lông kéo dài 2 – 3 tháng.  Muốn rút ngắn thời gian thay lông nên tăng cường thức ăn giàu protein và rau xanh cho gà. Có thể bổ sung thêm lưu huỳnh vào khẩu phần theo tỷ lệ 1% để thúc đẩy mọc lông mới nhanh.

Phòng bệnh cho đàn gà

Giai đoạn gà bắt đầu đẻ thường xảy ra các bệnh tụ huyết trùng, bạch lỵ. Đối với gà mắc bệnh bạch lỵ tuyệt đối không lấy trứng ấp, vì bệnh bạch lỵ có thể truyền qua trứng, qua phôi. Ngoài ra do cơ thể nặng nên gà hay bị sưng chân nếu chất độn chuồng không đủ độ dày (5cm) và bẩn. Cần giữ chất độn chuồng luôn luôn khô ráo và sạch.

>> Tham khảo thêm bài viết: Lịch phòng bệnh và tiêm vacxin cho gà thả vườn

Kết Luận

Tóm lại, đối với cả gà nuôi lấy thịt và nuôi lấy trứng thả vườn, người chăn nuôi đều cần chú ý đến các yếu tố: giống nuôi, dinh dưỡng (thức ăn, nước uống), vệ sinh môi trường sống, phòng bệnh và trị bệnh để đảm bảo chất lượng đầu ra (thịt gà, trứng gà) được tốt và ổn định.

>> Mời bà con tham khảo thêm bài viết: Kỹ thuật nuôi gà thịt nhốt chuồng. Cách nuôi gà thịt nhanh lớn

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here