Nuôi ong mật. Kỹ thuật nuôi ong mật năng suất cao ở miền Bắc

Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi Ong Việt Nam, nước ta có hơn 1,5 triệu đàn ong, trong đó có khoảng 350.000 đàn ong nội (chiếm 23,33%), ong ngoại 1,15 triệu đàn (chiếm 76,67%). Tiềm năng nuôi ong ở nước ta vẫn còn rất lớn. Trong bài viết này, xin được giới thiệu tới bà con kỹ thuật nuôi ong mật năng suất cao ở miền Bắc. Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ giới thiệu kỹ thuật nuôi ong nội.

Nuôi ong mật. Kỹ thuật nuôi ong mật năng suất cao ở miền Bắc

Cách chọn ong mật giống

Ong được chọn làm giống cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Có nguồn gốc rõ ràng;
  • Ong chúa dưới 6 tháng tuổi, không nhiễm bệnh ấu trùng;
  • Ong quân đậu kín 2 mặt cầu;
  • Bánh tổ mới, màu vàng và có đủ trứng, ấu trùng, nhộng, mật phấn dự trữ.

Chọn địa điểm nuôi ong mật

Điểm nuôi ong cần:

Gần nguồn mật, phấn hoa (từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500 – 700 m), ở nơi không phun bị phun thuốc sâu, hóa chất, ít hoặc không có ong rừng, chim thú hại, địa hình thoáng mát, yên tĩnh, không gần đường giao thông, nhà máy đường, nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến hoa quả.

Chỗ đặt thùng ong bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không ngập lụt về mùa mưa (kê cao 25 – 30cm so với mặt đất, thùng nọ cách thùng kia ít nhất là 1m, cửa ra vào đặt các hướng khác nhau).

Nếu có đầy đủ nguồn mật, phấn, mật độ có thể đặt đàn ong là 40 đàn/ha, mỗi đàn (tối đa 100 thùng) cách nhau tối thiểu 2 km.

Chuẩn bị dụng cụ nuôi ong

– Thùng ong: Làm bằng gỗ khô, kích thước bên trong d x r x c = 46,5 x 38 x 24,5 cm. Nếu không có thùng bằng gỗ, có thể chọn chất liệu phù hợp khác.

– Ngoài thùng ong, bà con chuẩn bị mũ lưới, bộ tạo chúa, bộ gắn tầng chân, lưới lọc mật, dao cắt mật, thùng quay mật…

Tạo ong chúa

Sau một thời gian nuôi, ong chúa sẽ già, yếu, hoặc bị bệnh, đàn ong nhiều lên nên sẽ xuất hiện việc nhân đàn tự nhiên hoặc người nuôi cần nhân đàn và thay ong chúa cũ.

Có 3 phương pháp tạo chúa là sử dụng mũ chúa chia đàn tự nhiên, tạo chúa cấp tạo hoặc tạo chúa di trùng. Bài viết giới thiệu cách thứ 2 – tạo chúa cấp tạo:

+ Chọn đàn ong hiền lành, tụ đàn lớn, năng suất mật cao, không nhiễm bệnh ấu trùng để tạo chúa.

+ Bắt chúa khỏi đàn, loại bỏ 1 – 2 cầu, 2 – 3 ngày sau kiểm tra và loại bỏ tất cả các mũ chúa trên bề mặt bánh tổ và mũ chúa đã vít nắp, cho đàn ong ăn 3 – 4 tối liên tục. Sau 9-10 ngày thì cắt những mũ chúa đã chín để dùng.

Nuôi ong mật. Kỹ thuật nuôi ong mật năng suất cao ở miền Bắc

Cách chia đàn ong

Có thể chia đàn song song hoặc chia đàn rời chỗ

Chia đàn song song:

Là chia 1 đàn ong ban đầu thành 2 đàn ong mới đặt song song với nhau, cách đều vị trí ban đầu.

Cách làm: Buổi chiều những ngày thời tiết nắng ấm, bà con đem thùng không có ván ngắn đã vệ sinh sạch sẽ đặt cạnh đàn định chia rồi chia đều số cầu, số quân, số con (trứng, ấu trùng, nhộng) thức ăn về 2 đàn ong. Đặt 2 thùng ong song song với nhau về 2 bên và cách vị trí đàn cũ khoảng 20 – 30 cm, với đàn ong không có chúa cần giới thiệu chúa vào.

Quan sát nếu thấy ong đi làm về mà vào bên nào nhiều hơn thì cần dịch ra xa và đặt đàn kia gần lại. Nếu ong vẫn về 1 đàn sau khi điều chỉnh thì cần đổi vị trí 2 đàn cho nhau với điều kiện là đàn chia không theo phương pháp chia đàn sử dụng mũ chúa hoặc chia đàn sử dụng mũ chúa nhưng chúa tơ chưa tập bay.

 Chia đàn rời chỗ:

Là phương pháp chia một phần hoặc một nửa đàn ong giống như chia song song rồi chuyển đàn đến chỗ mới cách vị trí đàn cũ khoảng 1 km trở lên.

Cách chia đàn: Mang thùng không đặt cạnh đàn định chia. Tách 1 nửa hoặc một phần đàn với các cầu có mật vít nắp, phấn và con, quân phủ kín cầu cho vào thùng, mang đến nơi có địa hình quang đãng, trong đó, đàn giới thiệu mũ là đàn để nguyên tại vị trí cũ.

Quản lý ong bốc bay và cho ăn bổ sung

Hiện tượng ong bốc bay thường xảy ra khi đàn ong bị thiếu thức ăn, bị bệnh, kẻ thù phá hoại (sâu, kiến, ong rừng ăn), đàn ong bị chấn động, v.v.

Bà con có thể phòng ngừa ong bốc bay bằng cách duy trì đàn ong có đủ mật, phấn dự trữ; phòng trừ địch hại kịp thời.

Khi ong đã bốc bay, biện pháp ứng phó là nhanh chóng bắt lại, đến tối rũ ong vào thùng đã chuẩn bị sẵn từ 1 đến 2 cầu ong có mật vít nắp, phấn, trứng, ấu trùng, nhộng.

Hàng năm, vào tháng 1 – 2 và 7 – 8, khi ngoài tự nhiên thiếu thức ăn hoặc khi thời tiết xấu kéo dài, ong không đi làm được, bà con cần cho ong ăn bổ sung bằng cách:

Pha nước đường đặc, tỷ lệ 1,5 đường/ 1 nước trong 3 – 4 tối liên tục đến khi các lỗ mật vít nắp (khoảng 1 -1,5 kg đường kính trắng/ 1 đàn ong 3 cầu, cho ăn ít lần nhưng lượng nhiều ở mỗi lần).

Thu hoạch mật

Khi thấy ong đi làm nhiều, các bánh tổ trên 70% lỗ tổ mật vít nắp, trên cây có khoảng 20 – 25% hoa nở thì có thể quay mật.

Nên quay mật vào buổi sáng để mật đặc hơn, không lẫn mật mới lấy về; nơi quay mật phải sạch sẽ.

Kỹ thuật lấy mật ong bà con có thể tham khảo nhiều nguồn khác nhau để chọn ra phương pháp mình có thể làm tốt nhất.

 Mong rằng, các thông tin trong bài viết sẽ hữu ích nhiều với bà con. Chúc bà con thành công!!!

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here