Bà con đã và đang nuôi chim bồ câu hẳn đều biết tập tục của bồ câu là sống có đôi có cặp. Khi được bắt cặp đúng đôi trống – mái, bồ câu sẽ sống hòa thuận, sinh trưởng và phát triển tốt. Bài viết dưới đây, Trang Trại Giống sẽ chia sẻ tới bà con cách nhận biết bồ câu trống mái bằng nhiều cách khác nhau.
Tại sao phải phân biệt bồ câu trống mái?
Xét về khía cạnh kinh tế, việc chọn chim trống mái theo đúng tỉ lệ 1:1 là tiền đề để mang lại hiệu quả kinh tế tối đa do năng suất được đảm bảo. Để kiểm chứng điều này, bà con có thể đi giải bài toán ngược:
- Nếu chim mái nhiều hơn chim trống thì sao? Trong trường hợp này, trứng do chim mái đẻ ra sẽ không được thụ tinh nên sẽ bị ung hoặc chim mái ấp nở chim con nhưng không có chim trống giúp đỡ khiến cho việc chăm con gặp nhiều khó khăn.
- Nếu chim trống nhiều hơn chim mái thì chuyện gì xảy ra? Chim trống vốn hoạt động nhiều hơn, lại phải thu hút sự chú ý của con cái. Vì thế, nếu đàn bị lệch theo hướng có nhiều con trống hơn sẽ xảy ra hiện tượng chim trống đánh nhau để giành chim mái. Hơn nữa, thừa chim trống vừa gây tốn thức ăn lại không mang lại nhiều giá trị kinh tế.
Như vậy, phân biệt bồ câu trống mái là việc vô cùng quan trọng.
Có điều, thoạt nhìn bên ngoài từ ngoại hình đến đặc điểm sinh trưởng của bồ câu trống và mái, có vẻ như sự khác biệt là không nhiều. Với nhiều người, việc phân biệt giới tính bồ câu khi chim còn nhỏ lại còn khó thực hiện hơn nữa. Bài viết này sẽ chia sẻ tới bà con ba cách nhận biết bồ câu trống mái, gồm: dùng tay để nhận biết; căn cứ hình dáng bên ngoài để phân biệt; và nhận biết thông qua hoạt động của chim bồ câu.
Phân biệt bồ câu trống mái bằng tay
Đây được xem là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để nhận biết giới tính của bồ câu. Không những thế, cách nhận biết này có độ chính xác cao và có thể nhận biết dễ dàng với ngay cả chim bồ câu còn nhỏ.
- Xem lỗ hậu môn: bồ câu trống có lỗ hậu môn lồi trong khi con mái có lỗ hậu môn phẳng và mềm hơn.
- Xem ngón chân: nhẹ nhàng lật úp người bồ câu xuống, nếu thấy chim bồ câu có ngón A dài hơn ngón C thì là bồ câu trống. Ở con mái thì hai ngón này dài tương đương nhau.
- Xem phản xạ: một tay giữ chân của chim, một tay nhẹ nhàng kéo mỏ chim xuống, chim trống sẽ phản xạ quắp đuôi xuống trong khi chim mái thì sẽ vểnh đuôi lên.
Nhận biết bồ câu trống mái qua hình dáng bên ngoài
Chim bồ câu trống: bồ câu trống thường có thân hình to lớn hơn, đầu và mỏ to thô và ngắn hơn, cổ to hơn và có nổi nhiều cườm hơn bồ câu mái. Chim bồ câu trống cũng có kích thước lớn, thân hình chắc khỏe và tác phong nhanh nhẹn hơn con mái.
Chim bồ câu mái: so với bồ câu trống, bồ câu mái có thân hình nhỏ nhắn hơn, đầu và mỏ bồ câu mái cũng nhỏ hơn, thon dài hơn bồ câu trống. Bồ câu mái có mỏ nhỏ từ gốc mỏ và nhỏ dần về đầu mỏ. Khi còn theo mẹ, gốc mỏ và đầu mỏ của bồ câu mái rộng tương đương nhau. Trong khi đó, ở cùng giai đoạn này, gốc mỏ của bồ câu trống to hẳn lên.
Nhận biết dựa vào hoạt động ở giai đoạn trưởng thành
Đến giai đoạn trưởng thành:
Bồ câu trống thường hoạt động nhiều hơn. Nó không ngại chiến đấu với các con bồ câu trống khác để tranh giành thức ăn, không gian sống, chuồng cao, chuồng đẹp hơn và còn để giành con mái. Bồ câu trống thường xòe đuôi, xoay vòng tròn, gật gù cái đầu và thường phát ra tiếng kêu gru…gru… để quyến rũ chim mái.
Bồ câu mái thì hiền lành hơn. Khi bị con trống tiếp cận, bồ câu mái sẽ rụt rè đứng yên một chỗ, chỉ gù gù khe khẽ và không có hành động xòe đuôi.
Với những kinh nghiệm trên đây, mong rằng bà con có thể dễ dàng hơn trong việc xác định giới tính của bồ câu, nhằm có được một đàn bồ câu có tỉ lệ tương xứng, hướng tới hiệu quả kinh tế cao.
>> Mời bà con tham khảo thêm bài viết:
Giá bồ câu giống và bồ câu thịt. Trang trại bán bồ câu giống trên cả nước
Chim bồ câu ăn gì? Thức ăn cho chim bồ theo từng độ tuổi
Cách nuôi bồ câu nhanh đẻ. Thức ăn kích thích bồ câu nhanh đẻ
Cách làm chuồng nuôi chim bồ câu nhốt và bồ câu thả rong
Nuôi bồ câu nhốt. Cách nuôi chim bồ câu nhốt chuồng năng suất cao
Nuôi bồ câu thả vườn. Cách nuôi chim bồ câu thả rong