Hướng dẫn phối giống cho bò. Cách nhận biết bò có thai và bò sắp đẻ

Bò có chu kỳ động dục 21 ngày (phạm vi biến động từ 17-25 ngày), thời gian mang thai từ 280 – 285 ngày, thời gian động dục kéo dài từ 18-36 giờ, mỗi lần mang thai thường được 1 con và sau khi đẻ 20 – 30 ngày thì lên giống trở lại. Bài viết sẽ cung cấp tới bà con một vài hướng dẫn phối giống cho bò cùng với cách nhận biết bò có thai và bò sắp đẻ.

Hướng dẫn phối giống cho bò. Cách nhận biết bò có thai và bò sắp đẻ

Hướng dẫn phối giống cho bò

Thời điểm phối giống tốt nhất cho bò là vào lần động dục thứ 2 tức (tức ngày 45-60 ngày sau khi đẻ, có khi dài hơn). Tuy nhiên, đối với bò sữa mà có sản lượng sữa cao thì nên phối giống vào tháng thứ 3, thứ 4 để kéo dài chu kì vắt sữa. Dựa trên đặc điểm này, sau khi bò đẻ, bà con cần theo dõi để nếu thấy bò động dục trở lại sau khi đẻ 60 ngày thì kịp thời cho phối giống.

Khi động dục, bò thường có các biểu hiện sau: bò kêu rống, đi lại dáng bồn chồn, phá chuồng, kém ăn hoặc bỏ ăn, hưng phấn cao độ, thường nhảy lên lưng con khác hoặc để con khác nhảy (nếu con ở dưới đứng yên thì bản thân con đó đang lên giống, nếu con dưới chạy thì con nhảy lại là con lên giống, có trường hợp cả 2 con đều lên giống, âm hộ hơi mở, có màu đỏ hồng, chảy nước nhờn, lúc đầu trong, lỏng, sau đặc dần. Kiểm tra bên trong thấy tử cung cứng hơn bình thường, noãn sào to lên (là lúc trứng rụng). Sau khi trứng rụng, trứng chỉ sống được 6-10 giờ.

Thời gian trứng rụng là 10-12 giờ sau khi kết thúc động dục, còn tinh trùng sống trong cơ quan sinh dục của bò cái là 12-18 giờ. Vì vậy, phải phối giống cho bò lúc bò chảy nước nhờn keo và đục, âm hộ sưng và chuyển màu đỏ sậm.

Có hai phương pháp phối giống cho bò:

Phương pháp 1 – Thụ tinh nhân tạo: Có thể dùng tinh cọng rạ đông lạnh và dụng cụ để dẫn tinh viên phối giống nhân tạo vào bò cái. Kết quả của thụ tinh nhân tạo là bê đẻ ra do thụ tinh nhân tạo sẽ đẹp và to hơn so với cách thức thông thường là sử dụng bò đực cho phối giống trực tiếp.

Với hình thức phối giống này, bà con lưu ý:

+ Chọn kỹ thuật viên có tay nghề, dụng cụ bảo quản tinh trùng đảm bảo.

+ Chọn lựa tinh giống phù hợp với giống bò cái đang nuôi để tránh cận huyết

Phương pháp 2 – Dùng bò đực cho nhảy trực tiếp: nếu chưa có điều kiện thụ tinh nhân tạo hoặc muốn sử dụng bò đực, bà con có thể cho bò đực nhảy cái trực tiếp.

Để đảm bảo chất lượng con giống và sức khỏe đàn bò, cần chú ý:

+ Chọn bò đực có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp phối giống trực tiếp với bò cái khi bò cái động dục.
+ Không cho phối khi bò đang bị bệnh vì bệnh truyền nhiễm có thể truyền từ con đực sang con cái và ngược lại.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Mua bò giống ở đâu? Các trang trại bán bò giống Bắc, Trung, Nam

Hướng dẫn phối giống cho bò. Cách nhận biết bò có thai và bò sắp đẻ

Cách nhận biết bò có thai và bò sắp đẻ

Sau khi phối giống, bà con cần ghi chép thời điểm phối giống và theo dõi kết quả phối giống, nếu sau 3 tháng không thấy bò động dục trở lại và bò tăng lên về kích thước, khối lượng cơ thể thì có thể bò đã chửa. Để chắc chắn, bà con có thể mời cán bộ chuyên môn đến khám thai cho bò bằng cách kiểm tra thai qua trực tràng.

Khi biết bò mang thai, ta có thể tính ra được ngày dự sinh của bò: Lấy ngày phối giống bò cộng với 5 hay 7 ngày (có thể vào tháng 2 có 28 ngày) và lấy tháng phối giống cộng với 9, sẽ có ngày sinh dự kiến.

Thời gian mang thai của bò là 283 ngày nhưng bò có thể đẻ sớm hơn hoặc muộn hơn dự kiến 5 ngày.

Trước khi bò đẻ 5 – 10 ngày, bà con cần đưa bò về chuồng đẻ và cho vận động ở sân chơi hoặc bãi chăn bằng phẳng kề cạnh chuồng. Hàng ngày cần kiểm tra sức khỏe và bầu vú để điều chỉnh khẩu phần. Cần theo dõi và trực nhật khi bò sắp đẻ, kể cả ban đêm.

Các dấu hiệu của bò sắp đẻ là:              

– Bầu vú căng lên một tuần trước khi đẻ

– Một hai ngày trước khi đẻ từ âm hộ chảy ra nhiều dịch nhờn, đặc, mầu trắng. Khi dịch loãng là lúc bò sắp đẻ.

– Mông sụp, đuôi lệch sang một bên, ít cử động, bò bồn chồn, luôn đứng lên nằm xuống, đi tiểu nhiều lần.

Khi bò có hiện tượng sắp đẻ thì dùng nước ấm rửa sạch thân sau và bầu vú. Rải rơm và đệm lót chỗ đẻ. Chuẩn bị dụng cụ và bố trí người chuyên trách đỡ đẻ. Trong khi bò đẻ cần bảo đảm yên tĩnh.

Một hai giờ sau khi vỡ nước ối mà thai chưa ra, bò mẹ rặn nhiều, tỏ ra lo lắng và đau đớn …, thì chứng tỏ bò có hiện tượng đẻ khó, bà con cần phải mời ngay cán bộ thú y đến can thiệp.

>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Cách chọn bò giống sinh sản tốt. Kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản

Chúc bà con có được những lứa bò như ý!!!

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here