Dê là loại vật nuôi đã được nuôi ở nước ta từ rất lâu. Nuôi dê đòi hỏi đầu tư thấp, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có và công lao động nhàn rỗi nhưng việc nuôi dê đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người chăn nuôi, đặc biệt nuôi dê sinh sản cho lợi nhuận rất cao. Tuy vậy khi nuôi dê sinh sản, người chăn nuôi cần nắm được quy trình nuôi dê và thực hiện tốt kỹ thuật làm chuồng, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng dê ở các giai đoạn sinh trưởng cũng như sinh sản của dê thì khả năng thành công mới cao.
Chuẩn bị chuồng trại nuôi dê sinh sản
Chuồng nuôi có vai trò quan trọng trong chăn nuôi dê vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sinh trưởng, sinh sản của dê sau này. Khi làm chuồng nuôi dê cần chú ý chọn hướng chuồng sao cho chuồng có nhiều nắng sáng và tránh được gió. Kiểu chuồng sàn là kiểu chuồng thích hợp nhất để nuôi dê.Khoảng cách từ mặt đất đến sàn chuồng phải cao khoảng 0,8-1m. Chuồng nuôi phải cao, thoáng, không bị ẩm.
Vật liệu làm chuồng nuôi dê nên dùng gỗ hoặc tre. Cần có khe hở giữa các thanh tre hoặc gỗ lót sàn chuồng để phân dê rơi xuống. Mật độ nuôi là 1 m2/con. Chuồng nuôi cần có sân chơi cho dê, sân chơi ở vị trí cao ráo, không đọng nước. Cần thường xuyên lấy phân ra khỏi chuồng và vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng vôi bột mỗi tháng 1 lần.
Cần ngăn riêng các ngăn chuồng cho từng loại dê: dê đực giống, dê hậu bị, dê chửa gần đẻ, dê mẹ và dê con dưới 3 tuần tuổi và các loại dê khác.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn cách làm chuồng nuôi dê thịt và dê sinh sản
Cách chọn dê giống
Dê trước khi cai sữa, tiến hành chọn những con dê đực, dê cái tốt nhất trong đàn, có ngoại hình đẹp, cân đối, mang những điểm đặc trưng của giống, sinh trưởng tốt và có cơ quan sinh dục phát triển bình thường để nuôi hậu bị. Thời gian nuôi hậu bị khoảng 4 – 5 tháng, đối với dê cái và 8 – 9 tháng đối với dê đực (tính từ sau khi cai sữa).
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Giá dê giống và dê thịt hiện nay. Trang trại bán dê giống trên cả nước
Thức ăn cho dê sinh sản
Thức ăn thô xanh
Dê là loại ăn tạp, nguồn thức ăn chính là cỏ và các loại lá cây. Dê có thể ăn các loại lá cây mà trâu, bò không ăn được. Nhưng dê không thích ăn các loại cỏ và lá cây bị ướt, nên khi chăn thường phải thả dê vào khoảng 9 – 10 giờ sáng.
Có thể trồng một số cây họ đậu và một số giống cỏ làm thức ăn cho dê như: Cỏ Voi, cỏ Lông, cây Keo dậu, cây điền thanh, cây mía, cây mít, cây sung, cây chè Khổng lồ … Cũng có thể cho dê ăn các loại cỏ khô, với khối lượng là 1kg cỏ khô tương đương 3kg cỏ tươi.
Trong khẩu phần ăn của dê, thức ăn thô chiếm từ 55 đến 70%, còn lại là thức ăn tinh.
Thức ăn tinh
Gồm các loại cám gạo, ngô, bột sắn….Có thể bổ sung một lượng muối ăn và khoáng đa vi lượng dưới dạng đã chế biến để dê sử dụng tuỳ thích.
Khẩu phần thức ăn trung bình hàng ngày của các loại dê như sau: dê cái chưa mang thai:1kg TA tinh + 10kg TA thô xanh/ngày; dê mang thai từ 20 ngày – 3 tháng: 2kg TA tinh + 15kg TA thô xanh/ngày; dê mang thai từ tháng 4 đến lúc sinh: 1kg TA tinh + 7kg TA thô xanh/ngày+ các khoáng chất cần thiết
Dê thích ăn ở độ cao do vậy cần treo máng thức ăn lên cao cách mặt đất 0,4 – 0,5 m, cây lá cho ăn thêm cũng nên treo cao để Dê dễ ăn.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Nên cho dê ăn gì? Các loại thức ăn cho dê và Chi phí thức ăn nuôi dê thịt
Các biện pháp chăm sóc dê sinh sản
Phối giống
Khi dê đến tuổi phối giống và đạt khối lượng yêu cầu thì có thể cho phối giống. Chú ý không cho dê đực giống phối với dê cái có quan hệ là anh chị em ruột hoặc là con cháu của dê đực giống đó.
Chu kỳ động dục của dê là 19 – 21 ngày, động dục kéo dài 1-3 ngày, khi động dục âm hộ hơi sưng đỏ hồng, chảy dịch nhờn, kêu la bỏ ăn, nhảy lên lưng con khác, nếu đang tiết sữa thì giảm sữa đột ngột. Thời điểm phối giống thích hợp là 24 giờ kể từ sau khi dê cái có biểu hiện động dục. Phải có sổ theo dõi phối giống để ghi chép ngày phối, kết quả phối giống và dự định ngày dê đẻ để đỡ đẻ cho dê.
Chăm sóc Dê cái mang thai
Sau khi phối giống theo dõi nếu đến chu kỳ động dục bình thường (21 – 23 ngày) mà không thấy dê động dục trở lại là có thể dê thụ thai. Thời gian mang thai của dê trung bình là 150 ngày (biến động từ 145 – 157 ngày).
Trong thời gian dê mang thai cần chăn thả dê gần chuồng, nơi bằng phẳng, tránh đuổi đánh dê. Phải tách xa dê đực giống để tránh dê đực nhảy dê mang thai, dễ gây sẩy thai.
Khoảng 5 – 7 ngày trước khi sinh cần giảm các loại thức ăn tinh, thay thế bằng các loại thức ăn thô để tránh sau sinh dê mẹ bị viêm vú, sốt sữa.
Chăm sóc dê đẻ
Trước khi đẻ 5 – 10 ngày nhốt riêng dê cái sắp đẻ ở chuồng đã được vệ sinh tiêu độc khô, sạch, kín ấm và yên tĩnh. Dê sắp đẻ, bầu vú căng sữa, dịch nhờn chảy ở âm hộ, sụp mông. Cho cỏ khô, sạch vào lót ổ và chuẩn bị đỡ đẻ cho dê.
Sau khi dê đẻ, để dê mẹ tự liếm con, nhưng vẫn cần lấy khăn mềm, sạch, lau khô lớp màng nhầy ở mồm, mũi để tránh ngạt thở cho dê con.Thắt cuống rốn bằng chỉ cách bụng 1cm rồi cắt ngoài chỗ thắt và sát trùng bằng cồn Iod.
Không để dê mẹ ăn nhau thai, cho dê mẹ uống nước muối 0,5% hoặc nước đường 10%.
Hàng ngày cho dê mẹ ăn thức ăn thô, xanh non, thức ăn tinh chất lượng tốt theo khẩu phần xác định. Không cho dê mẹ ăn quá nhiều thức ăn tinh và củ quả để tránh dê bị chướng bụng đầy hơi.
Chăm sóc dê con
Khoảng 30 phút sau khi được đẻ ra phải cho dê con bú sữa đầu.Tuần đầu tiên sau khi đẻ cho dê mẹ và dê con ở cùng nhau. Cho dê con bú ngày 3 – 4 lần. Lót ổ bằng rơm rạ mềm, khô cho dê con nằm. Nếu trời lạnh cần sưởi ấm cho dê con.
Sau đó, tách dê con để nuôi riêng nhưng vẫn cho bú mẹ ngày 3 – 4 lần/ngày. Khi dê được 10 ngày tuổi tập cho dê con ăn thức ăn dễ tiêu và chất lượng tốt như cỏ non phơi tái, cỏ khô sạch, bột cám, bột ngô, bột đậu tương rang…
Các giống dê thịt thì lượng sữa thường chỉ đủ để nuôi con. Nhưng nếu các giống dê chuyên sữa, lượng sữa nhiều nên cần thực hiện vắt sữa.
Việc vắt sữa có thể vắt sữa bắt đầu ngày thứ 10 sau khi dê đẻ, ngày vắt 2 lần. Sau khi vắt sữa xong mới cho dê con bú phần sữa còn lại trong bầu vú của dê mẹ. Nếu thấy dê con bú chưa no thì cho bú thêm khoảng 300 – 350 ml sữa ( cho bú bằng bình, 2 – 3 lần/ngày). Nếu cho dê ăn hoàn toàn bằng bình, mỗi ngày cho dê con bú khoảng 450 – 600 ml sữa.
Ngoài ra, cho dê ăn thêm các loại thức ăn dễ tiêu như các loại cỏ lá non sạch, chuối chín, bột bắp, bột đậu tương rang… Lượng thức ăn tăng dần, từ 28 – 45 ngày tuổi cho ăn khoảng 30 – 35 g thức ăn tinh; từ 46 – 90 ngày tuổi cho ăn 50 – 100 g thức ăn tinh.
Từ 21 -30 ngày tuổi có thể cho dê con chăn thả theo đàn. Khi dê con được 90 ngày tuổi thì thực hiện cai sữa cho chúng , sau đó tách riêng dê đực, cái và phân đàn theo hướng sản xuất.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Nuôi dê Bách Thảo. Kỹ thuật nuôi dê Bách Thảo hiệu quả kinh tế cao
>> Nuôi dê sinh sản không khó, không đòi hỏi quá khắt khe về kỹ thuật, không quá tốn kém về tiền thức ăn và mang lại lợi nhuận khá. Tuy nhiên bà con cần nghiên cứu kỹ quy trình và cách thức chăm sóc dê sinh sản để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho dê mẹ, từ đó đảm bảo sức khỏe cho dê con cũng như chất lượng sữa dê. Chúc bà con thành công.