Từ một loài vật sống hoang dã, khi được thuần hóa, nhím trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi. Hiện nay, mặc dù vẫn thuộc nhóm động vật hoang dã cần bảo tồn (khi mua bán, nuôi hay vận chuyển nhím sống đều phải có giấy kiểm dịch và chứng nhận của kiểm lâm tại địa phương), việc nuôi nhím đã trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Bài viết xin gửi đến bà con những nét sơ lược về kỹ thuật nuôi nhím thịt và các thông tin về thức ăn nuôi nhím thịt.
Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nhím thịt
Chọn giống
Nếu chọn mua nhím giống ở cơ sở nuôi lâu năm, bà con sẽ có lợi hơn vì nhím sau nhiều đời đã được thuần hóa hoàn toàn, dễ chăm sóc hơn nhím hoang dã mới bắt về nuôi.
Một số tiêu chí để chọn nhím giống gồm: chọn nhím dưới 6 tháng tuổi (còn non và tơ); không chọn nhím già hay nhím đang mang thai về làm giống; nên chọn những con nhím có bố mẹ mắn đẻ, nuôi con lớn nhanh.
>> Bà con có thể tham khảo thêm bài viết: Giá nhím thịt và nhím giống hiện nay
Chuẩn bị chuồng trại cho nhím thịt
Chuồng nhím tốt nhất nên được đặt ở nơi tránh được sự đông đúc, ồn ào và nên hạn chế người lạ, trẻ em và các động vật khác lui tới (do nhím thích sống ở nơi yên tĩnh). Chuồng tốt là chuồng xây theo hướng đông nam để đông ấm, hè mát. Bà con thiết kế sao cho ánh sáng chiếu vào chuồng kiểu nửa sáng nửa tối. Chuồng phải luôn khô ráo, thoáng mát vì nhím rất ghét bị ướt.
Chuồng nhím thiết kế theo dạng như ô bàn cờ với kích thước rộng x dài x cao = 1 – 1,5m x 1,5m x 1 – 1,2m, có lối đi rộng 1m. Thành chuồng xây bằng gạch hoặc lưới sắt. Nền chuồng nên làm bằng bê tông hoặc gạch (do nhím thích đào hang, nếu nền chuồng là nền đất, nhím có thể sẽ đào hang ở đó). Nền chuồng thiết kế sao cho có độ nghiêng khoảng 3 – 5o kèm rãnh để thoát nước.
Trong chuồng, bà con để máng ăn, máng uống kích thước 20cm x 25cm x 20cm. Cùng với đó là xây hang giả cho nhím bằng ống nước đường kính 50 – 60cm gắn cố định trên nền chuồng (để thỏa mãn sở thích đào hang của nhím).
Chăm sóc và phòng bệnh cho nhím thịt
Để nhím khỏe mạnh, bà con cần giữ vệ sinh chuồng trại: không để chuồng trại ẩm ướt, cáu bẩn; chuồng trại cần được quét vôi hoặc phun thuốc diệt khuẩn theo định kỳ. Song song với đó, thức ăn cho nhím cũng cần đảm bảo vệ sinh, giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Nhím ít khi dính phải bệnh dịch. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể mắc phải những bệnh như bệnh ký sinh trùng ngoài da (do ký sinh trùng cắn gây ghẻ lở) và bệnh đường ruột (bị tiêu chảy do chất lượng thức ăn không đảm bảo). Lúc này, bà con bôi thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống cho nhím là được.
Nhím chủ yếu hoạt động về đêm. Do đó, khi bố trí bữa ăn, bà con nên bố trí bữa ăn cuối cùng trong ngày nhím được ăn nhiều hơn bữa còn lại.
Nhím rất ghét bị ướt mình nên bà con không cần tắm nhiều cho chúng, chỉ tắm vài lần vào mùa hè cũng đủ.
Thức ăn chăn nuôi nhím thịt
Nhím ăn tạp, thức ăn của chúng đa dạng từ rau củ, lá, quả, rễ cây đến côn trùng, ốc, giun đất, sâu bọ… Bà con nên cho nhím ăn 2 bữa/ngày vào buổi trưa và chiều tối.
Khẩu phần ăn thông thường là 2kg thức ăn/con nhím/ ngày. Trong khẩu phần ăn cần đảm bảo các thành phần gồm thức ăn thô (các loại lá), thức ăn tinh (ngô, sắn), thức ăn giàu vitamin (ví dụ: ổi xanh, chuối xanh) và thức ăn khoáng (muối hay xương động vật). Bà con cũng đừng quên kiểm tra và bảo đảm khâu vệ sinh của thức ăn cho nhím, cùng với 0.2 lít nước uống/nhím/ngày.