Trong những năm gần đây, nhờ nuôi vịt trời mà nhiều bà con nông dân thoát nghèo. Đặc biệt hơn, nhiều nông hộ “dám dấn thân” đã vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ nuôi loài gia cầm này. Nuôi vịt trời không quá khó nhưng do là giống gia cầm có lối sống hoang dã mới được thuần hóa nên khi nuôi tập trung, có những điều kiện đặc biệt bà con cần chú ý nhằm giúp vịt phát triển tốt nhất. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ tới bà con kỹ thuật nuôi vịt trời thịt và thức ăn cho vịt theo giai đoạn để giúp bà con có thông tin tốt nhằm đạt hiệu quả chăn nuôi cao.
Kỹ thuật nuôi vịt trời thịt
Vịt trời chỉ có thể phát triển tốt, ít bệnh, ngon thịt khi được nuôi trong môi trường có ao, hồ và khoảng không gian thiên nhiên nhất định. Không những vậy, mỗi khâu của kỹ thuật chăn nuôi đều có những điểm đáng lưu ý.
Chọn giống vịt trời
Theo logic, vịt con do bố mẹ có phẩm chất tốt sinh ra sẽ có chất lượng tốt. Do đó, khi chọn giống, nếu có thể biết bố mẹ của con giống, bà con sẽ có thể yên tâm hơn trong quá trình nuôi sau này.
Về cảm quan khi chọn giống, vịt con mới nở phải đạt các tiêu chuẩn: rốn khô, lông mượt; chân, mỏ đều đặn; nhanh nhẹn; có thể trọng ≥ 45gram.
Làm chuồng trại cho vịt trời thịt
Nền chuồng nuôi vịt trời có thể bằng xi măng hoặc nền đất có lót trấu hay rơm rạ. Chuồng nuôi cũng có thể được phân chia thành nhiều ô, mỗi ô dùng để nuôi vịt trời thuộc một lứa tuổi nhất định.
Vịt con mới nở phải có lồng hoặc ô úm riêng, úm được 150 – 200 con/ô, có đèn sưởi ấm cho vịt khi còn non. Sau giai đoạn úm, vịt có thể được nuôi thả tự do.
Sân chơi gắn liền với chuồng nuôi là không thể thiếu trong nuôi vịt thương phẩm. Tại sân chơi, bà con trang bị máng ăn, máng uống cho vịt. Các máng này tốt nhất là để ở nơi khô ráo và dễ tìm cho vịt. Diện tích ao hồ để vịt bơi lội ≥ diện tích chuồng nuôi để vịt tắm và vệ sinh lông (nếu có điều kiện về không gian, diện tích ao hồ càng lớn càng tốt).
Trong chuồng, bà con bố trí máng ăn, máng uống ở một góc riêng để vịt không làm ẩm ướt đến chỗ nghỉ ngơi. Định kỳ, bà con vệ sinh, sát trùng chuồng trại.
Cách chăm sóc vịt trời thịt
Vịt con giống khi bắt về nuôi cần được sưởi ấm trong lồng úm. Vịt 1-3 ngày tuổi cần nhiệt độ 36-380C. Từ ngày thứ 4 trở đi, vịt vẫn cần được úm nhưng mỗi ngày sẽ giảm đi 10C.
Trong 2 tuần đầu, chiếu sáng 24/24h cho vịt. Sau đó giảm xuống còn 18/24h, ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, ban đêm thắp bóng đèn 2W.
Trong quá trình nuôi, bà con nhớ tiêm vacxin các bệnh như cúm gia cầm, bệnh tiêu hóa, tụ huyết trùng … cho vịt.
Thức ăn cho vịt trời theo từng giai đoạn
Thời gian nuôi vịt trời thương phẩm thông thường là từ 3-3,5 tháng, đạt trọng lượng từ 1,2-1,3kg/con khi xuất bán. Mô hình nuôi bán tự nhiên hoặc thả rông sẽ cho ra những con vịt trời chất lượng thịt rất cao.
Thức ăn cho vịt trời có thể đa dạng, có sự khác biệt giữa các vùng miền khác nhau, tuy nhiên cần đảm bảo bốn nhóm chất sau:
- Nhóm năng lượng: hỗ trợ cho hoạt động đi lại, hô hấp và tiêu hóa thức ăn.
- Nhóm chất đạm: có trong đậu tương, vừng, lạc, khô dầu, cá, bột cá, bột tôm, bột thịt, mối,…
- Nhóm chất khoáng: giúp thúc đẩy quá trình cấu tạo xương và các bộ phận khác. Chất khoáng có trong vỏ cua, vỏ ốc, hến, tôm, vỏ trứng,… nghiền nhỏ.
- Nhóm Vitamin: giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể của vịt trời, gồm: rau, cỏ, lá cây, củ, quả và các loại vitamin công nghiệp.
Theo độ tuổi, thức ăn cho vịt trời sẽ như sau:
Từ 1 – 3 ngày tuổi: cho vịt ăn theo dạng tập ăn một số thức ăn giàu tinh bột như bột gạo hoặc bột ngô với lượng 21g/con/ngày, đồng thời cung cấp đủ nước có pha thêm chất điện giải, Vitamin B complex và Vitamin C.
Từ 4 – 10 ngày tuổi: ngoài thức ăn giàu năng lượng, vịt có thể ăn thức ăn giàu đạm. Bà con có thể trộn ốc, giun băm nhỏ với cơm, sau đó mới thay thế dần dần. Mỗi ngày một con vịt ăn khoảng 56 g thức ăn.
Từ 11 – 20 ngày tuổi: bổ sung thêm khoáng chất cho vịt bên cạnh thức ăn chứa đạm và năng lượng theo cách trộn đều các thành phần với nhau. Sau 20 ngày tuổi, vịt có thể ăn thóc nguyên hạt. Tổng lượng thức ăn của vịt là 100g/ con/ ngày.
Từ khi vịt đủ 15 ngày tuổi, bà con cũng nên chăn thả vịt ngoài đồng để vịt tự kiếm thêm thức ăn trong tự nhiên.
Từ 21 – 80 ngày tuổi: Khi ≥ 30 ngày tuổi, vịt ăn được thóc và có khả năng tự kiếm mồi trong tự nhiên, nên lý tưởng nhất là vịt được thả rong. Sau khi về chuồng, nếu vịt đói bà con mới cần cho ăn thêm thóc. Từ giai đoạn này, một ngày vịt tiêu thụ khoảng 140g thức ăn/con.