Cách nhận biết thỏ động dục. Cách nhận biết thỏ có thai. Kỹ thuật phối giống thỏ

Một điều quan trọng đối với bà con nuôi gia súc theo hướng sinh sản là làm sao để nhận biết con vật đã đến thời kỳ động dục và khi phối giống rồi thì liệu nó đã mang thai hay chưa. Chuyện này cũng không phải là ngoại lệ đối với những người nuôi thỏ. Bài viết sẽ chia sẻ các thông tin về cách nhận biết thỏ động dục; kỹ thuật phối giống thỏ và cách nhận biết thỏ có thai.

Cách nhận biết thỏ động dục. Nhận biết thỏ có thai. Kỹ thuật phối giống thỏ

Cách nhận biết thỏ động dục

Trong thực tế, sự bộc lộ những tập tính phối giống của thỏ đực là khoảng 60 –70 ngày tuổi (khi thỏ có biểu hiện đầu tiên nhảy cưỡi trên những con khác). Thời gian có thể cho con đực nhảy cái lần đầu nên là 135 – 140 ngày tuổi.

Con cái có thể phối giống lúc 10 – 12 tuần tuy nhiên trong lúc này thỏ chưa có sự rụng trứng. Thỏ bắt đầu thành thục tính dục khi đạt thể trọng khoảng 75% trọng lượng trưởng thành. Thời điểm thành thục tính dục của thỏ cái thường sớm hơn thỏ đực 1 tháng. Thỏ cái sẽ có nhu cầu phối giống khi được khoảng 16-20 tuần tuổi. Theo chia sẻ ở một vài trang web, ở châu Âu, thỏ cái được phối giống khi được khoảng 120 – 130 ngày thì cho thành tích rất tốt.

Để để biết được có phải thỏ động dục không, người chăn nuôi phải quan sát kỹ và tiếp xúc với thỏ. Thường thì thỏ sẽ có những biểu hiện khác với thường ngày như:

  • Chạy nhảy nhiều hơn
  • Hay có tư thế nhổng mông lên
  • Không còn háu ăn như bình thường.

Thỏ cái ở tầm tuổi 7-8 tháng, người nuôi nên thường xuyên kiểm tra phần âm hộ của thỏ. Nếu thấy có dấu hiệu tấy đỏ, không còn màu hồng nữa mà thành màu đỏ tươi thì điều này báo hiệu thỏ đang trong giai đoạn muốn động dục – thời kỳ phù hợp để phối giống.

Vì là loài mắn đẻ, chỉ sau khi sinh 1 – 3 ngày, thỏ đã có thể động dục trở lại, chu kỳ động dục là 14 – 16 ngày.

Kỹ thuật phối giống thỏ

Cách nhận biết thỏ động dục. Nhận biết thỏ có thai. Kỹ thuật phối giống thỏ

Thỏ chỉ phối giống được khi nó động dục thực sự. Đến thời điểm thích hợp để cho thỏ phối giống, người nuôi bắt thỏ cái nhốt chung chuồng với thỏ đực. Nếu động dục thực sự, thỏ cái sẽ đứng yên cho thỏ đực đến gần và nâng mông, đuôi lên cho thỏ đực nhảy phối. Khi phối giống được, con đực trượt xuống bên sườn và có tiếng kêu. Sau 1-2 phút, người nuôi mới mới nên đưa thỏ cái về chuồng.

Mỗi con đực chỉ nên cho phối giống hai lần trong ngày với một con cái: vào mùa nóng, nên cho phối kép hai lần cách nhau 5-10 phút vào buổi sáng sớm; vào mùa mát thì nên phối lặp lại hai lần cách nhau 6-8 giờ vào buổi sáng và chiều tối.

Một số lưu ý:

  • Khi cho phối giống, nếu bắt thỏ đực vào lồng thỏ cái sẽ không có hiệu quả vì thỏ đực lạ chuồng nên sẽ không chịu “hợp tác”.
  • Nếu thỏ đẻ lứa trước ít con hoặc người nuôi đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho thỏ thì có thể cho phối giống ngay sau khi đẻ 1-3 ngày (bình thường cho phối giống vào chu kỳ động dục kế tiếp, sau khi đẻ 10-14 ngày).
  • Cần kiểm tra động dục hàng ngày để phối giống kịp thời, đúng thời điểm động dục.

Cách nhận biết thỏ có thai

Khi cho phối giống, người nuôi phải quan sát thỏ cái có cho thỏ đực giao phối hay không. Nếu phối được thì khả năng thỏ cái đậu thai rất cao. Các dấu hiệu cụ thể của việc thỏ cái mang thai có thể gồm:

  • Thỏ cái tự nhổ lông ở phần bụng để ủ ấm cho con
  • Kích thước vòng bụng tăng dần lên
  • Thỏ đi đứng chậm hơn, có biểu hiện dữ hơn khi có người sờ vào cơ thể
  • Không chơi đùa, chạy nhảy …

Do thời gian thỏ mang thai rất ngắn (1 tháng) nên nếu dự đoán là thỏ đã có thai, chủ nuôi cần chuẩn bị ổ đẻ cho thỏ mẹ. Kích thước ổ đẻ phù hợp là d x r x c = 50 x 35 x 20cm. Khi thỏ mang thai được khoảng 27-28 ngày, đặt ổ đẻ vào chuồng. Khi thỏ con ≥ 20 ngày thì lấy ổ đẻ ra.

Đến kỳ sinh nở, người nuôi nên chăm sóc thỏ kỹ càng hơn. Cụ thể:

Can thiệp bằng thuốc cầm máu ngay cho thỏ nếu thỏ bị mất nhiều máu vì đẻ tự nhiên

Bổ sung thêm vitamin và kháng sinh cho thỏ trong vòng 3-5 ngày khi thời tiết thay đổi (nhằm tăng đề kháng cho thỏ).

Theo dõi thường xuyên để phòng và trị các bệnh thường gặp trên thỏ (ghẻ, tiêu chảy).

>> Mong rằng các thông tin trên hữu ích với bà con trong quá trình nuôi dưỡng đàn thỏ sinh sản. Chúc bà con thành công.

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here