Trong chăn nuôi bò, thức ăn thô xanh đóng vai trò quan trọng bậc nhất nếu muốn bò cho năng suất cao (giúp bò thịt chắc mình, thơm thịt, giúp bò sữa cho nhiều sữa, sữa ngon…). Thức ăn thô xanh chính là các loại cây cỏ. Khi nguồn nguyên liệu này ngoài tự nhiên không còn dễ kiếm hoặc không ổn định thì cỏ trồng gần như là một giải pháp hữu hiệu. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bà con các giống cỏ nuôi bò hiện nay và đưa ra một số hướng dẫn bà con trồng cỏ để làm thức ăn cho bò.
Các giống cỏ nuôi bò phổ biến
Tùy quy mô chăn nuôi theo mô hình trang trại hay hộ gia đình, tùy theo vật nuôi là bò thịt, bò sữa, bò sinh sản hay bò vỗ béo mà bà con chọn giống cỏ phù hợp. Tuy nhiên, trồng nhiều giống cỏ khác nhau để thay đổi khẩu phần thức ăn hàng ngày giúp bò ăn ngon miệng là phương án được khuyến khích.
Hiện nay, có 4 nhóm cỏ nuôi bò phổ biến. Cụ thể:
Nhóm cỏ voi
Là nhóm cỏ sinh sản vô tính, chỉ trồng được khi và chỉ khi có hom (đã là cỏ voi chắc chắn là không gieo trồng được bằng hạt). Do gieo trồng bằng hom nên chi phí đầu tư ban đầu lớn, tốn công vận chuyển, lại không có lựa chọn thay thế (như các loại cỏ có thể vừa trồng được bằng hom và bằng hạt). Tuy nhiên, giống cỏ này có ưu điểm là mọc nhanh, cây khỏe, sớm cho thu hoạch hơn cỏ trồng hạt.
Hiện có 3 giống cỏ voi phổ biến là: cỏ voi Va06, Cỏ voi Pakchong và cỏ voi lùn Đài Loan.
Nhóm cỏ bụi sả
Là nhóm cỏ cho dinh dưỡng và lượng vật chất thô rất cao, có thể trồng bằng hạt hoặc bằng hom, tuy nhiên năng suất trên cùng 1 diện tích không cao bằng nhóm cỏ voi.
Nhóm cỏ bụi sả bao gồm: Cỏ Ghine mombasa, Cỏ Mulato 2, Cỏ ruzi, Cỏ Paspalum
Nhóm cỏ cao lương
Các loại cỏ thuộc nhóm cỏ này có hình thức giống cây ngô (bắp), có thể trồng bằng hạt, dễ trồng dễ chăm sóc, tái sinh mạnh. Nhược điểm của nó là thời gian lưu gốc không lâu (2 năm).
Nhóm cỏ này bao gồm 3 giống chính: Sudan lai premium SS10055 (là giống đẻ nhánh, tái sinh mạnh nhất trong nhóm cao lương), Sudan super BMR (có khả năng chống mối mọt và các loại côn trùng ăn hạt, Sweet Jumbo.
Nhóm cỏ họ đậu
Đây là nhóm cỏ cho năng suất thấp nhất, nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại cao nhất trong các giống cỏ, nên chỉ phù hợp làm thức ăn hỗ trợ trong chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản.
Nhóm cỏ này bao gồm 2 giống chính: Cỏ alfalfa linh lăng (là giống cỏ có độ đạm cao nhất lên đến gần 25%), Cỏ Stylo (độ đạm khoảng 23%).
Hướng dẫn trồng cỏ nuôi bò
Cỏ dùng cho chăn nuôi bò nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ không mang lại năng suất cao, không chứa nhiều dinh dưỡng. Hệ quả là, năng suất nuôi bò cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, 2 trong số các giống cỏ nuôi bò tốt nhất là cỏ voi và cỏ sả. Sau đây là hướng dẫn cách trồng hai loại cỏ này.
Cỏ voi
Cỏ voi có thể mọc ở khắp nơi bất chấp điều kiện đất đai. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao bà con cần chú ý:
- Cải tạo đất thật kỹ trước khi trồng cỏ:
- Cày sâu ít nhất 20cm để làm đất tơi xốp
- Tạo độ mùn và tăng độ ẩm cho đất (bằng cách dùng các chế phẩm sinh học giữ ẩm, trộn đất với các loại trấu, mụn dừa, thả trùn quế hoặc bón các loại phân hữu cơ …)
- Tăng độ màu mỡ cho đất bằng cách bón lót phân chuồng, Ure, Super lân và KCL.
- Cách trồng:
- Kích thước hom trồng cỏ từ 20 – 25 cm, gồm khoảng 4 mắt
- Sau khi cắt lát, nên để hom 1 – 2 ngày trước khi mang đi trồng
- Khoảng cách trồng từ 30 – 40 cm
- Trồng theo luống để dễ chăm sóc và kiểm soát
Cỏ sả
Cũng là một giống cỏ sinh trưởng được trong nhiều điều kiện khác nhau, tuy nhiên, cỏ sả phát triển tốt nhất khi được trồng ở đất cát, độ sâu trung bình từ 0,15 – 0,2 m.
Sau đây là các lưu ý trong cách trồng cỏ sả:
- Trước tiên, cải tạo đất thật kỹ tạo độ mềm, tơi cho đất, loại bỏ cỏ dại.
- Tùy theo độ màu mỡ của đất mà bón lót cho phù hợp
- Cỏ sả trồng bằng hạt hoặc bằng tép:
- Trồng tép: Dùng ≥ 2 tấn cỏ giống/ ha, trồng theo luống, hàng cách hàng khoảng 0,5 m, cắm sâu khoảng 0,15 m, chừa phần ngọn khoảng 5 cm.
- Trồng hạt: bà con gieo trồng như các loại hạt khác với lượng 12 – 13 kg/ha.
Đối với cả hai loại cỏ, sau khi trồng, bà con chăm sóc sao cho cỏ được cung cấp đủ nước để sinh trưởng, bón phân thúc nếu cần. Vào đúng mùa sinh trưởng của cỏ, cỏ sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao hơn các mùa khác.
Trừ lần đầu tiên thì từ 1 – 2 tháng cỏ voi đã cho thu hoạch – sớm hơn cỏ sả (2 – 3 tháng /lần thu hoạch). Cỏ voi tầm 1m thì bà con nên thu hoạch, không sớm hơn, không muộn hơn.