Có thể nói, cá nuôi trong bể xi măng tuy có thể không sinh trưởng nhanh bằng nuôi trong ao hồ nhưng lại chủ động được nguồn nước, đồng thời xử lý nhanh các trường hợp bệnh tật về cá nên ít khi bị rủi ro. Bài viết sau đây sẽ cung cấp tới bà con kỹ thuật nuôi cá trong bể xi măng theo công nghệ mới.
Những loại cá có thể nuôi trong bể xi măng
Dạo một vòng trên các trang mạng, bà con sẽ thấy đa phần bà con nông dân áp dụng mô hình bể xi măng để nuôi cá lóc, cá rô đồng, rô phi. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều loại cá nước ngọt thường nuôi ở ao hoặc sinh sống trong tự nhiên có thể được đưa vào nuôi trong bể xi măng. Các loại cá này là: cá chép, rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá lăng, cá lóc, cá trê lai, cá rô đồng, cá basa, cá cảnh, cá chình bông, chạch, cá chim.v.v.
Kỹ thuật nuôi cá trong bể xi măng
Với mỗi loại cá khác nhau, kỹ thuật nuôi cũng sẽ có những điểm khác biệt. Do đó, bài viết chỉ đề cập đến những phần phổ quát nhất. Khi áp dụng vào nuôi từng loại cá cụ thể, bà con cần nghiên cứu cách nuôi theo đặc thù của giống cá được chọn.
Chuẩn bị bể nuôi
Bể nuôi nên có dạng hình chữ nhật, kích thước tối ưu từ 15 m2, sâu khoảng từ 1 – 1,5 m, có lưới vây xung quanh để đề phòng cá nhảy ra ngoài (với các loại cá hiếu động), có mái che chắn nếu thời tiết khắc nghiệt. Với diện tích này, cá có đủ không gian để hoạt động nên năng suất vẫn sẽ cao mà không bị ảnh hưởng.
Dưới đáy bể, bà con nên phủ một lớp cát, đóng vai trò làm lớp đệm để tránh cho cá tiếp xúc với đáy, đồng thời giúp lọc nước.
Bể cần được làm nghiêng về hướng xả nước.
Xử lý bể nuôi
Trước khi thả cá, bà con đặc biệt lưu ý phải xử lý bể. Tùy theo bể cũ hay mới để có cách làm sạch cho phù hợp:
-Với bể nuôi cũ, bà con nên lau dọn rồi ngâm bể trong vài ngày, sau đó rửa sạch trước khi bơm nước vào.
– Với bể nuôi là bể xi măng mới, bà con dùng phèn chua hòa vào nước rồi ngâm bể khoảng 1 tuần nhằm loại bỏ những vết xi măng mới còn đọng lại. Khi đã ngâm xong, bà con xả hết nước rồi dùng nước sạch để rửa lại bể thêm lần nữa, ngâm tiếp trong vòng vài ngày, sau đó tháo nước và rửa lại bể lần cuối trước khi bơm nước mới.
Ở cả hai loại bể, sau khi bơm nước vào, bà con có thể cho vôi vào để ổn định độ pH trong bể.
Thả cá giống
Dù lựa chọn nuôi loại cá nào, bà con cũng nên lưu ý chỉ mua giống ở những cơ sở có uy tín, chất lượng tốt, vì đây là yếu tố đảm bảo đầu ra thắng lợi.
Tùy loại cá định thả mà bà con chọn mật độ thả cho phù hợp. Ví dụ: với cá lóc, mật độ thả cá thích hợp tối thiểu là 60 con/m2, tối đa là 100 con/m2.
Thời điểm thả cá giống vào bể cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, để thả cá lóc giống, người ta thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Thức ăn và cách chăm sóc bể cá
Nguồn dinh dưỡng và thức ăn chính cho các loài cá khác nhau sẽ khác nhau. Nếu như cá lóc ăn chủ yếu là cá tạp (90%) thì cá rô lại ăn cua, ốc, tôm, tép và cá tạp. Do đó, bà con cần căn cứ đặc điểm sinh học, sinh trưởng của cá để cho ăn đúng loại thức ăn.
Mỗi lần cho cá ăn, bà con cần theo dõi sức ăn và độ trong của nước để có biện pháp xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra. Nhiệt độ, môi trường nước, chất lượng thức ăn hay tình trạng sức khỏe của cá sẽ quyết định việc cá ăn nhiều hay ăn ít.
Trong quá trình nuôi, bà con có thể bổ sung thêm một chút dinh dưỡng từ các loại thức ăn khác như khô dầu các loại, cám gạo đậu nành hoặc thức ăn trộn sẵn; bổ sung vitamin C, các hoạt chất có hỗ trợ men tiêu hóa vào thức ăn khi khí hậu thay đổi thất thường.
Khi cá còn nhỏ, sẽ tốt hơn nếu bà con trang bị dụng cụ cho ăn bằng vỉ tre. Cho thức ăn vào vỉ, thả xuống mặt nước không quá sâu, khoảng 5 – 10 cm để tiện quan sát. Đến khi cá lớn hơn, có thể thả thức ăn trực tiếp vào bể gần nơi thoát nước để khi xả thải những cặn bã của thức ăn có thể trôi đi theo.
Vấn đề môi trường nước cho cá là vấn đề cực kỳ quan trọng cần phải được lưu tâm. Thời gian cần thay nước cho cá cũng khác nhau giữa các loại cá khác nhau. Ví dụ: với cá lóc, trong vòng 20 – 25 ngày đầu, nên thay nước 2 – 3 ngày/lần. Đến khi cá được 1 tháng thì phải thay nước hàng ngày.
Trong những tháng gần với thời gian thu hoạch nên thay 2 lần/ngày. Một số hộ nông dân sáng tạo và có đủ điều kiện về diện tích đất đai còn áp dụng cách xây nhiều bể để nuôi nhiều loại cá khác nhau, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến tận các hồ, nguồn nước thải từ các hồ nuôi cá lóc sẽ được đưa qua hồ nuôi cá trê, giúp tận dụng hết nguồn thức ăn còn thừa.
Phòng bệnh cho cá
Quan trọng hơn cả vẫn là đảm bảo vệ sinh môi trường nước nuôi cá, vệ sinh đúng ngày quy định.
Ngoài ra, bà con chú ý tẩy giun sán, cho cá uống kháng sinh (không được lạm dụng) nếu cần.
Thu hoạch
Đến kỳ thu hoạch (3 – 6 tháng với cá lóc, 3 tháng với cá trê, v.v.), bà con bố trí để bán cá, thu hồi vốn, chuẩn bị tái sản xuất.
Mong rằng, các thông tin chúng tôi vừa cung cấp hữu ích với bà con. Chúc bà con những vụ mùa bội thu.
>> Tham khảo thêm: Mô hình nuôi cá lóc. Kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể xi măng