Hồ tiêu được cho là được tìm thấy từ hơn 4.000 năm trước ở bờ biển Malabar của Ấn Độ và được trồng từ hơn 1.000 năm trước Công Nguyên. Cây hồ tiêu được du nhập vào Việt Nam thông qua việc người Pháp trồng chúng ở nước ta vào thế kỷ XVII. Cuối thế kỷ XIX, hạt tiêu đã trở thành một loại mặt hàng thương phẩm được trồng ở Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang) và Hòn Chống, rồi lan rộng dần ra các khu vực khác. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là đất nước sản xuất cũng như xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất trên thế giới. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng tiêu đen trên trụ bê tông.
Chọn giống hồ tiêu
Tùy thổ nhưỡng từng vùng mà bà con lựa chọn giống tiêu để trồng cho phù hợp. Tuy nhiên, dù chọn giống nào thì cũng phải lưu ý chọn giống từ những cây tiêu sinh trưởng mạnh, không bị sâu bệnh. Một số giống tiêu có thể kể đến là:
- Giống tiêu Vĩnh Linh
- Giống tiêu Sri Lanka
- Giống tiêu Trâu
- Giống tiêu Lada (tiêu ngoại nhập có nguồn gốc từ Indonesia)
- Giống tiêu sẻ Lộc Ninh
- Giống tiêu sẻ mỡ Đăk Lăk
- Giống tiêu sẻ đất đỏ Bà Rịa
- Giống tiêu Ấn Độ
- Giống tiêu Phú Quốc
Lựa chọn trụ trồng tiêu
Trụ đúc bê tông, thường có cạnh đáy trụ từ 12 – 15 cm, cạnh đỉnh trụ 10 cm, cao khoảng 3,6 – 4,0 m, sau khi chôn trụ còn khoảng 2,7 – 3,0 m tính từ mặt đất. Trụ có khoảng 3 thanh sắt 6 hoặc 8 mm.
Ưu điểm của loại trụ này là tuổi thọ cao, không cạnh tranh về dinh dưỡng, nước, ánh sáng đối với cây tiêu, không tốn công rong tỉa như cây trụ sống.
Tuy nhiên, trụ bê tông có nhược điểm là tốn nhiều công khi chôn trụ, chi phí đúc trụ tốn kém, và vì trụ hấp nhiệt mùa nắng nên phải làm dàn che cẩn thận trong 1, 2 năm đầu.
Đào hố trồng tiêu
- Hố trồng tiêu cần được chuẩn bị trước ít nhất 15 ngày đến 1 tháng trước khi xuống giống, xử lý đất trong hố trước khi trồng bằng 1 trong các loại thuốc như Confidor 100SL 0,1%, 0,5 lít/hố hoặc Basudin 10H, 20-30 g/hố.
- Hố trồng tiêu có kích thước 60 x 60 x 60 cm đào một bên trụ, mỗi hố trồng 2 bầu tiêu con, hoặc 40 x 40 x 40cm đào đối xứng 2 bên trụ, mỗi hố trồng 1 bầu tiêu con, tâm hố cách trụ 25-30cm.
- Mỗi hố bà con dùng lớp đất mặt trộn với 20-25kg phân hữu cơ (tốt nhất là phân chuồng hoai mục) + 0,3 – 0,5kg lân + khoảng 1 thìa canh bột nấm đối kháng Trichoderma. Có thể trộn thêm vôi bột nếu độ pH chưa đạt yêu cầu (từ 5.5 – 7.0).
Xuống giống hồ tiêu
- Thời điểm thích hợp nhất để trồng tiêu là vào đầu mùa mưa, hoặc 1 tháng trước khi hết mùa mưa.
- Bà con dùng cuốc đào 1 lỗ chính giữa hố trồng, sâu và rộng hơn kích thước bầu ươm tiêu một chút.
- Nhẹ nhàng xé bịch để tránh làm bể bầu ươm.
- Đặt cây con vào chính giữa hố, hơi nghiêng vào phía trụ, mặt bầu cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 5-10cm.
- Lấp đất và nén nhẹ xung quanh bầu để không bị rỗng ở phần quanh rễ, vun nhẹ đất cho phần gốc cao hơn xung quanh, tránh đọng nước.
- Trồng xong bà con cần tưới nước ngay. Nếu trời nắng nóng và không có cây che bóng, bà con cần che nắng cho tiêu con bằng liếp hoặc dàn che.
Bà con lưu ý:
- Không nên trồng tiêu xen với các loại bầu bí vì đây là vật chủ chung cho một số loại sâu bệnh hại tiêu.
- Giữa các hàng tiêu có thể trồng xen cỏ lạc dại, vừa giúp tăng lượng đạm trong đất vừa có tác dụng giữ ẩm mùa khô, hạn chế cỏ dại khác lây lan.
Sau khi trồng, bà con bước vào giai đoạn chăm sóc tiêu:
Do không chịu được cả ngập úng và nắng hạn kéo dài nên bà con cần đảm bảo thường xuyên tưới nước cho tiêu nhưng khi tưới cũng không nên tưới đẫm mà chỉ tưới vừa đủ.
Cần thường xuyên làm cỏ cho tiêu để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng. Khi làm cỏ ở gốc chỉ nên dùng tay nhổ cỏ, tránh dùng cuốc để cào, sẽ gây tổn thương rễ.
Tiếp theo, cần cắt tỉa cành tạo tán, bón phân (hữu cơ, vô cơ, vi lượng), phòng trừ sâu bệnh cho tiêu song song với các giai đoạn phát triển của tiêu (có thể tham khảo hướng dẫn chăm sóc của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có sẵn trên website của cơ quan này.)
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Cây mắc ca trồng được ở đâu? Kỹ thuật trồng cây mắc ca
Chúc bà con sẽ sớm có những vườn tiêu sai cành, trĩu trái!!!