Khi nuôi bất kỳ loài vật nào, thức ăn luôn là một yếu tố quan trọng cần phải lưu tâm. Đặc biệt hơn, đối với vật nuôi phục vụ các mục đích chuyên biệt (nuôi lấy thịt, nuôi sinh sản), còn cần phải có sự khác biệt trong vấn đề thức ăn (lượng, chất). Nói đến nuôi thỏ, đây vốn là loài vật chủ yếu ăn rau cỏ, các loại củ. Nhưng ngoài ra, thỏ cũng cần được ăn thêm các thức ăn khác. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bà con nội dung về thức ăn nuôi thỏ thịt và thỏ sinh sản theo từng giai đoạn.
Các loại thức ăn cho thỏ
Có 4 nhóm thức ăn mà thỏ cần được cung cấp để đảm bảo sức khỏe và thực hiện các nhiệm vụ mang tính chức năng (cho thịt, phục vụ sinh sản…):
Nhóm thức ăn xanh
Là nhóm thức ăn giàu chất xơ, khoáng chất, vitamin, chủ yếu có trong tự nhiên như các loại cỏ (rau muống, khoai lang, tía tô, rau má, cỏ lá tre, cỏ tây) hoặc các loại củ (cà rốt, khoai lang, su hào, củ cải…)
Nhóm thức ăn giàu tinh bột
Gồm chủ yếu là các sản phẩm của ngành nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn (khoai mì),…Lúa và ngô nếu ngâm để mọc mầm và cho mầm ăn sẽ tốt hơn do nó chứa nhiều vitamin E, B1, B6, C,… giúp thỏ bổ sung năng lượng rất tốt.
Nhóm thức ăn bổ sung đạm
Một số sản phẩm thuộc nhóm này là sản phẩm của ngành công nghiệp như bột cá, bột thịt và các loại bánh dầu như dầu đậu nành, dầu dừa, dầu lạc (đậu phộng),…cùng với nhóm thức ăn chỉ dùng để trộn bổ sung vào bữa ăn của thỏ chứ không cho ăn riêng.
Nhóm thức ăn khô
Đa phần thức ăn khô là những thức ăn xanh được phơi khô và để dành đến mùa khan hiếm mới cho thỏ ăn.
Như vậy, bất kỳ cá thể thỏ nào cũng cần được cho ăn các loại thức ăn thuộc 4 nhóm nói trên. Có điều, ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau, thỏ cần được cho ăn theo các chế độ ăn khác nhau.
Một số các nguyên tắc dễ nhớ sau sẽ giúp bà con có đủ tự tin thiết lập các chế độ ăn cho thỏ của mình:
- Mỗi bữa ăn luôn phải đủ chất và đa dạng để thỏ không ngán; đa số phải trộn đều nhiều loại thức ăn theo khẩu phần.
- Tránh tuyệt đối việc cho thỏ ăn một dạng thức ăn hoặc một loại thức ăn trong nhiều ngày liên tiếp.
- Cắt khúc hoặc thái lát thức ăn khô (khúc 20cm, lát tầm 0.5 – 1cm)
- Tưới thêm nước để tránh bột bay vào mũi thỏ khi ăn và lãng phí thức ăn.
- Ngâm nước cho mềm các thức ăn dạng hạt như lúa, ngô để hỗ trợ việc nhai, nuốt và tiêu hóa của thỏ
Thức ăn nuôi thỏ sinh sản
Bà con nên thiết lập thực đơn cho thỏ theo ngày, trong đó cân đối giữa 4 nhóm thức ăn. Thỏ đực thường ăn nhiều hơn 15% lượng thức ăn của thỏ cái.
Một ví dụ về khẩu phần ăn cho thỏ cái và thỏ đực sinh sản (tính theo khẩu phần gam/con) với các loại thức ăn gồm cỏ voi, cà rốt, thóc mầm lần lượt cho con đực là 180, 60, 25, cho con cái là 150, 50, 20.
Thức ăn nuôi thỏ thịt
Với thỏ thịt, điều quan trọng nhất là thỏ ăn ngon, phát triển mạnh. Do đó, bà con cần đa dạng nguồn thức ăn song song với việc cân đối lượng thức ăn. Trước khi cho ăn, thức ăn nên được trộn đều với nhau.
Trong khẩu phần ăn, các loại cỏ thường chiếm khoảng 70% tổng khẩu phần ăn. Lượng thức ăn sẽ giảm dần theo thứ tự: tinh bột, các loại củ, tinh bột, và các thức ăn khác. Ví dụ: Thỏ 1 – 2 tháng nên được ăn 200 – 300 g cỏ, 20 – 30 g củ, 10 – 20 g tinh bột, 10 – 20 g thức ăn khác/ ngày; trong khi khẩu phần ăn cho thỏ trưởng thành nên là 600 – 800 g cỏ, 50 – 60 g củ, 40 – 60 g tinh bột, 40 – 60 g thức ăn khác (thỏ trưởng thành nên cho ăn nhiều tinh bột để béo hơn). Thỏ ở giữa hai lứa tuổi trên, nhu cầu dinh dưỡng/ ngày cũng rơi vào khoảng giữa của 2 nhóm vừa nêu.
Một số lưu ý
Để nuôi được đàn thỏ khỏe mạnh, bà con cần chú ý thêm các điểm sau:
- Tuyệt đối không cho thỏ ăn các loại rau còn dính sương, thỏ sẽ bị tiêu chảy.
- Cà rốt giàu dinh dưỡng, thỏ nhỏ chỉ cho ăn 1 củ/1 con/1 ngày, thỏ lớn cho ăn gấp đôi.
- Đối với những bà con có sử dụng cám công nghiệp trong nuôi thỏ:
- Dùng cám của thỏ, gà, tuyệt đối không dùng cám của vịt, lợn vì thỏ sẽ bị tiêu chảy
- Thỏ cái sau sinh, ngoài thức ăn thô xanh, cám công nghiệp, cần cho ăn thêm mía hoặc uống nước đường nhạt 3 ngày liên tục để tăng sữa.
- Thỏ cái mang thai nên giảm cám công nghiệp vì ăn nhiều thỏ sẽ lú, đẻ kém.
>> Mời bà con tham khảo thêm bài viết:
Kỹ thuật nuôi thỏ thả vườn. Thức ăn cho thỏ thả vườn
Nuôi thỏ trong nhà. Cách nuôi thỏ trong nhà đem lại hiệu quả kinh tế cao
Kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản. Cách nuôi thỏ mẹ và thỏ con sau khi đẻ
Giá thỏ giống và thỏ thịt hiện nay. Trang trại bán thỏ giống trên cả nước