Nuôi thỏ trong nhà thực chất là nuôi thỏ nhốt chuồng. Nuôi thỏ nuôi trong mô hình này dễ quản lý, chăm sóc. Đặc biệt, việc nuôi nhốt trong lồng ngoài việc giúp cho thỏ tránh được các tác động xấu của môi trường, còn giúp người chăn nuôi dễ quan sát phát hiện bệnh tật trên từng cá thể, dễ cách ly và điều trị. Chính vì thế thỏ nuôi trong mô hình này cho năng suất cao hơn, lợi nhuận cũng nhiều hơn. Mặt khác, việc mở rộng quy mô cũng dễ thực hiện. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với bà con một số vấn đề chính trong kỹ thuật nuôi thỏ trong nhà.
Cách làm chuồng nuôi thỏ trong nhà
Chuồng nuôi thỏ phải bảo đảm thông thoáng và không bị mưa tạt, gió lùa. Mái chuồng có thể lợp tôn, lá… Nền chuồng nên làm bằng xi măng để dễ dàng vệ sinh.
Lồng nuôi thỏ được làm từ những vật liệu dễ kiếm như tre, nứa, gỗ … hoặc cũng có thể mua sẵn lồng làm bằng thép loại chuyên dùng cho nuôi thỏ. Kích thước lồng: dài 0,6-0,7m, rộng 0,5-0,6m, cao 0,5m.
Chân lồng cách mặt đất khoảng 0,4-0,5m. Với diện tích này, một lồng có thể nuôi 1 con cái, hoặc 1 con đực, hoặc con cái đang sinh sản. Đối với nuôi thỏ hướng thịt, thì 1m2 có thể nuôi từ 8-10 con.
Một lồng cần có 2 máng ăn: 1 máng đựng thức ăn thô và 1 máng đựng thức ăn tinh. Ngoài ra cần có 1 máng để đựng nước uống cho thỏ.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn cách làm chuồng nuôi thỏ thịt và thỏ sinh sản
Cách chọn giống thỏ nuôi trong nhà
Các giống thỏ phù hợp với mô hình nuôi trong nhà ở Việt Nam hiện nay là thỏ đen, thỏ xám và thỏ Newzealand (trắng) trọng lượng trưởng thành khoảng 4-4,5kg, ngoài ra còn các loại thỏ lai khác. Chú ý khi mua phải chọn thỏ đực và thỏ cái khác dòng để tránh cận huyết.
Chọn giống thỏ đực thì chọn con đầu to, chân to, mập mạp, ngực nở, đặc biệt có dương vật thẳng và hai tinh hoàn đều nhau, nở nang. Đối với thỏ cái, chọn những con lưng phẳng, 4 chân khỏe mạnh, khoảng xương chậu rộng và số vú từ 8-10 vú.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Giá thỏ giống và thỏ thịt hiện nay. Trang trại bán thỏ giống trên cả nước
Thức ăn cho thỏ
Thức ăn cho thỏ gồm 3 loại: thức ăn thô, thức ăn củ quả và thức ăn tinh.
- Thức ăn thô xanh và thức ăn thô khô: cỏ voi, cỏ xả, cỏ mần trầu, cỏ mật, cỏ lông, lá vừng dại, muồng, bồ công anh, vông, lá sắn dây, lá cúc tần, lá keo dậu, lá chuối, lá mít, lá dâu, lá chè, lá sung, lá chè khổng lồ… thỏ đều ăn được
- Thức ăn củ quả: khoai lang, khoai tây, cà rốt, su su, bí đỏ, dưa, su hào… thỏ đều thích ăn.
- Thức ăn tinh và đạm: bao gồm các loại thức ăn hạt thực vật như: thóc, bắp, các loại đậu đỗ, lạc, cao lương, …Thức ăn động vật như: bột thịt, bột sữa, bột cá…
Thức ăn xanh cho thỏ cần thu hái từ nguồn sạch sẽ. Cũng không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, lên men. Không nên chất thức ăn thô xanh (cỏ, lá) thành đống sau khi cắt về, mà nên rải ra hoặc làm giàn phơi ráo nước mới cho ăn.
Cách phối giống thỏ
Thỏ bắt đầu có khả năng phối giống lúc 4-5 tháng tuổi. Tuy nhiên tuổi phối giống lần đầu còn phụ thuộc vào chế độ nuôi dưỡng và trạng thái sức khoẻ, thể lực của thỏ. Thỏ chỉ phối giống được khi nó động dục thực sự. Chu kỳ động dục của thỏ cái là 14- 16 ngày.
Khi phối giống cho thỏ nên phối kép. Vào mùa nóng, giữa 2 lần phối cách nhau 5 -10 phút, phối vào sáng sớm. Vào mùa mát thời gian giữa 2 lần phối cách nhau 6-8 giờ, phối vào buổi sáng và chiều tối.
Sau khi đẻ, thỏ động dục lại ngay vào ngày thứ 2-3. Vì vậy, có thể cho thỏ phối giống ngay sau khi đẻ 1-3 ngày. Tuy nhiên chỉ nên cho thỏ phối giống vào chu kỳ động dục kế tiếp, sau khi đẻ 10-14 ngày.
Khi phối giống cần bắt thỏ cái đến lồng thỏ đực. Nếu thỏ động dục thực sự thì nó đứng yên cho thỏ đực đến gần và nâng mông, đuôi lên cho thỏ đực nhảy phối. Khi phối giống được, con trực trượt xuống bên sườn và có tiếng kêu. Sau 1-2 phút, mới đưa thỏ cái về chuồng.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Cách nhận biết thỏ động dục. Cách nhận biết thỏ có thai. Kỹ thuật phối giống thỏ
Chăm sóc thỏ mang thai, thỏ đẻ và thỏ cái nuôi con
Đối với thỏ mang thai: Cho ăn các loại thức ăn xanh như rau muống, rau lang, bổ sung thêm cám hỗn hợp từ 10-20gr/ngày/con. Cho ăn 2 lần/ngày và bảo đảm lượng nước uống đầy đủ. Hạn chế di chuyển thỏ, nhất là 1 tuần trước khi thỏ đẻ.
Trước khi thỏ đẻ 2-3 ngày chúng ta đặt ổ đẻ vào trong chuồng. Khi thỏ sắp đẻ nó sẽ vào ổ và bứt lông ở bụng mục đích để phủ lên thỏ con cho ấm.
Thỏ cái vừa nuôi con vừa có thể mang thai. Vì thế phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho thỏ, đảm bảo thỏ vừa tiết sữa nuôi con vừa mang thai. Cho ăn 2 lần/ngày. Thức ăn xanh có thể sử dụng các loại rau như rau muống, rau lang và bổ sung thêm cám hỗn hợp với khẩu phần cũng giống như lúc mang thai.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Thức ăn nuôi thỏ thịt và thỏ sinh sản theo từng giai đoạn
Chăm sóc thỏ con
Trong quá trình từ 1-18 ngày đầu thỏ con sống hoàn toàn nhờ vào sữa mẹ. Sau 18 ngày thỏ con có thể ra khỏi ổ đẻ và tập ăn cùng thỏ mẹ cho đến khi thỏ con được 30 ngày tuổi thì có thể cai sữa và tách ra khỏi mẹ.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản. Cách nuôi thỏ mẹ và thỏ con sau khi đẻ
Cách chăm sóc thỏ thịt
Quá trình phát triển của thỏ thịt gồm 3 giai đoạn
– Giai đoạn thỏ con (Từ lúc cai sữa từ 30 – 70 ngày tuổi): Ở giai đoạn này vẫn nuôi chung các loại thỏ con với nhau, chưa tách riêng đực cái.
– Giai đoạn thỏ nhỡ (từ 70 đến 90 ngày tuổi): nuôi dưỡng để thỏ sinh trưởng và phát triển
Cả hai giai đoạn này, chỉ cần cung cấp thức ăn giàu protein, vitamin, đủ chất xơ… không nên cho thỏ ăn nhiều loại thức ăn dễ tích lũy mỡ (như bắp, cám, gạo, cơm…)
– Giai đoạn nuôi vỗ béo (từ 90 – 120 ngày tuổi): Có khi chỉ vỗ béo 20 ngày là giết thịt. Ở giai đoạn này cần cho thỏ ăn các loại thức ăn giàu tinh bột với tỷ lệ thích hợp như cám bắp, cám gạo, khoai sắn khô (60 – 100 g/con/này), các loại thức ăn thô xanh có thể giảm bớt (bình quân giai đoạn này chỉ cần 400 g/con/ngày).
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Kỹ thuật nuôi thỏ thả vườn. Thức ăn cho thỏ thả vườn
>> Trên đây là những vấn đề cơ bản trong kỹ thuật nuôi thỏ trong nhà. Chúng tôi hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích đối với bà con. Chúc bà con thành công trong việc chọn được vật nuôi và mô hình nuôi phù hợp với điều kiện của mình