Khi nuôi gà sinh sản đẻ trứng, thỉnh thoảng chúng ta gặp trường hợp gà đẻ trứng non. Biểu hiện là trứng gà đẻ ra không có lớp vỏ canxi cứng, tròn bao quanh mà chỉ được bao bọc bởi một lớp màng mỏng, mềm. Những quả trứng như vậy còn được gọi là trứng vỏ lụa.
Tại sao gà đẻ trứng non?
Một quả trứng bình thường có vỏ chia thành hai lớp: Lớp thứ nhất là lớp vỏ cứng, tiếp theo là lớp màng trứng dính sát ngay sau lớp thứ nhất. Gà đẻ trứng non là hiện tượng gà đẻ trứng khi trứng còn chưa hình thành đầy đủ lớp vỏ cứng bên ngoài mà mới chỉ có lớp màng trứng bên trong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên:
- Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần ăn của gà thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu Canxi, vitamin E, B12, D và phosphore, selenium…Đặc biệt đối với gà đẻ, nhu cầu canxi của gà đẻ là rất lớn. Nếu khẩu phần ăn không được cung cấp đủ canxi và phospho (thiếu bột sò, bột xương, bột cá, bánh dầu lạc và đậu tương…). Hoặc trong thức ăn bổ sung canxi, phospho nhưng ở dạng khó tiêu hóa…
- Hoặc có thể do chuồng trại làm quá kín ánh sáng mặt trời buổi sáng không chiếu vào cơ thể của gà khiến gà không hấp thu được nguồn vitamin D tự nhiên. Thiếu vitamin D là thiếu yếu tố điều hòa sự hấp thu canxi từ thức ăn vào cơ thể hay khẩu phần ăn chứa lượng chất béo (mỡ, dầu) quá cao, làm giảm khả năng hấp thụ canxi, photpho, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của cơ thể gà.
- Cũng có thể do gà mắc một số bệnh như bệnh truyền nhiễm ( như viêm phế quản, cúm gia cầm), hay mắc các bệnh do các loại ký sinh trùng, mắc hội chứng giảm đẻ… dẫn đến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, stress…và ảnh hưởng đến quá trình hình thành vỏ trứng.
- Hoặc do gà bị stress nhiệt, do chuồng nuôi có độ ẩm cao quá hoặc thấp quá.
Ở những con gà đẻ lứa đầu tiên, do cơ quan sinh sản chưa ổn định và ở những con gà mái già, cơ quan buồng trứng thoái hóa, cũng khiến gà đẻ trứng non.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Kỹ thuật nuôi gà đẻ siêu trứng. Cách kích thích gà đẻ trứng nhiều
Làm sao để gà hết đẻ trứng non?
Muốn gà hết đẻ trứng non, ta cần khắc phục những nguyên nhân nêu trên.
Thứ nhất: Ta cần chuẩn bị khẩu phần ăn của gà đẻ trứng đảm bảo đầy đủ canxi, photpho, kẽm… Muốn vậy cần cho gà đẻ ăn thường xuyên các loại thức ăn giàu canxi như vỏ sò, vỏ ốc, vỏ trứng xay mịn, đậu tương, bột xương, bột cá… với tỉ lệ hợp lý.
Bổ sung các loại vitamin A-D-E, chất khoáng vi lượng, BCOMPLEX (vitamin tổng hợp bổ sung cho thức ăn gia súc)… để tăng cường sức khỏe và khả năng hấp thu canxi, photpho cho đàn gà.
Thứ hai: Điều trị hoặc loại thải những gà mái sinh sản ốm yếu, mắc bệnh, gà không còn khả năng sinh sản để chuyển sang nuôi mới.
Thứ ba: Cần phải thiết kế chuồng trại thông thoáng, có thể đón ánh nắng buổi sáng để gà có điều kiện sưởi nắng, hấp thu vitamin D.
>> Bà con tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn cách nuôi gà con mới nở. Kỹ thuật úm gà con nhanh lớn
Như vậy, nếu trong quá trình nuôi gà, gặp trường hợp gà đẻ trứng non thì bà con cần xác định nguyên nhân gây ra tình trạng trên trước, việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp bà con có hướng xử lý phù hợp và kịp thời, từ đó hạn chế tối đa việc đẻ trứng non, ảnh hưởng đến chất lượng trứng và giá trị kinh tế.